Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ
Bốn môn học quan trọng mà Khổng Lão Phu Tử dạy học trò của mình, thứ nhất là Đức Hạnh, thứ hai là Ngôn Ngữ, thứ 3 là Chính Sự, thứ tư là Lục Nghệ (sáu nghệ thuật), trong đó Ngôn Ngữ chỉ đứng sau Đức Hạnh. Mỗi chúng ta ai cũng rất quen thuộc với những lời dạy của người xưa về ngôn ngữ, giao tiếp, cách nói chuyện như:
“Học ăn, học nói, học gói, học mở”
“Nói dài, nói dai, nói dại”
“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
“Dao sắc cứa da rồi cũng sẽ lành, lời nói làm đau lòng người thì rất khó lành”
“Chớ nói nhanh, chớ mơ hồ”
“Phải nói thật, chớ xảo nịnh”
Qua đây chúng ta cũng thấy được rằng ngôn ngữ vô cùng quan trọng. Con người dùng ngôn ngữ để giao tiếp, để biểu đạt ý nghĩa và tình cảm của mình với mọi người xung quanh, qua đó hiểu nhau hơn. Thông qua việc dùng ngôn ngữ giao tiếp, chúng ta cũng có thể hiểu được tính cách, đức hạnh, cách tư duy, năng lực … của một người nào đó.
Trên thực tế hiện nay, nhiều bậc phụ huynh và Thầy Cô giáo đều nhận thấy tỷ lệ trẻ em chậm nói, nói chuyện không rõ ràng, nói linh tinh, nói những lời thừa hay những lời vô nghĩa, gặp vấn đề về ngôn ngữ… tăng cao rất nhiều so với trước đây. Tình trạng này không chỉ dẫn đến rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, học tập, sinh hoạt mà thậm chí ảnh hưởng đến cả tương lai của các con. Điều này đã khiến nhiều bậc Cha Mẹ cảm thấy lo lắng.
Hiểu được tầm quan trọng này, các Thầy Cô giáo toàn Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức đã cùng nhau học tập những chuẩn mực của người xưa trong việc rèn dạy con trẻ phát triển ngôn ngữ thông qua hình thức online. Tại buổi học, các Thầy Cô cũng trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, tìm ra nguyên nhân và giải pháp không những để giúp các con cải thiện tình trạng này mà còn giúp các con phát triển ngôn ngữ một cách trí tuệ.
Căn cứ vào những lời dạy của người xưa, các Cô giáo đến từ trường Mầm Non Minh Tâm Đà Nẵng đã nghiên cứu, tổng hợp và trình bày một số nguyên nhân và giải pháp giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Nội dung được tóm lược như sau:
MỘT VÀI NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRẺ GẶP KHÓ KHĂN TRONG PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ
1. Người lớn phục vụ trẻ tận chỗ, mọi lúc mọi nơi. Trẻ chỉ cần dùng ánh mắt hoặc hành vi để thể hiện mong muốn của mình thì người lớn đã đáp ứng ngay mà không để cho con trẻ phải nói ra mong muốn hay nhu cầu của mình rồi nhờ sự giúp đỡ, thậm chí khi trẻ đã lớn rồi mà người lớn vẫn chăm sóc, phục vụ như lúc còn bé.
2. Người lớn chưa giáo dục trẻ biết cách quan sát và quan tâm mọi người xung quanh.
3. Trẻ bị ảnh hưởng mặt trái của văn hóa phương Tây, nói chuyện với Cha Mẹ ngang hàng như bạn bè, chưa có tâm kính sợ, lễ phép.
4. Trẻ xem tivi truyền hình, sử dụng điện thoại, mạng internet. Đây là giao tiếp một chiều, không có sự tương tác bằng ngôn ngữ nói, khiến trẻ không được kích thích khả năng phát triển ngôn ngữ. Bên cạnh đó, nhiều chương trình có nội dung không lành mạnh của mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm hồn, nhân cách, suy nghĩ, hành vi, lời nói của trẻ.
MỘT VÀI GIẢI PHÁP GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ
1. Áp dụng “Phép Tắc Người Con” để dạy trẻ kỹ năng nói chuyện rõ ràng, mạch lạc “phàm nói chuyện, nói trọng điểm, chớ nói nhanh, chớ mơ hồ”, tức là khi nói chuyện thì trước tiên cần phải nói từ tốn, rồi nói rõ ràng các ý cần trình bày. Thầy Cô dạy trẻ khi nói chuyện cần phải có tâm thái tự tin, lễ phép với mọi người, “khi hỏi đáp, mắt nhìn thẳng”. Không chỉ vậy, những lời nói ra phải là những lời chánh trực “lời gian xảo, từ bẩn thỉu, thói tầm thường, phải trừ bỏ”.
2. Hướng dẫn và tạo nhiều cơ hội cho trẻ luyện tập giao tiếp bằng ngôn ngữ như: Khi trình bày một vấn đề gì đó thì tập trung nói đúng vào trọng tâm; có nhu cầu hay mong muốn được giúp đỡ gì thì cũng cần phải chủ động trình bày và nói rõ ràng; Tập cho trẻ trả lời các câu hỏi của người lớn;
3. Lựa chọn những quyển sách truyện có nội dung văn và phong trong sáng, có tính giáo dục cao như: “Búp Sen Xanh”, “Điện Biên Phủ Của Chúng Em” .. để giúp các con mở rộng vốn từ.
4. Tạo cơ hội cho trẻ lao động, làm việc, chăm sóc Ông Bà Cha Mẹ, giúp trẻ tập quan sát sắc mặt và thái độ của Cha Mẹ để biết Cha Mẹ cần gì và từ đó hỏi han, quan tâm, giúp đỡ Cha Mẹ. Điều này nhằm phát triển đức hạnh và nhân cách cho trẻ, khi đứa trẻ có đức hạnh thì khi nói chuyện trẻ sẽ biết lễ phép và chuẩn mực hơn.
5. Cha Mẹ, Thầy Cô giáo và người lớn cần làm gương, nói chuyện rõ ràng, mạch lạc, lịch sự, chuẩn mực để trẻ noi theo.
Ông Bà ta đã dạy “dạy con từ thuở còn thơ”. Giai đoạn 0-6 tuổi là giai đoạn vàng để trẻ phát triển nhân cách và phát triển một số năng lực quan trọng, trong đó có phát triển ngôn ngữ. Vì vậy, các Thầy Cô trong hệ thống đã áp dụng các biện pháp trên và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức cùng toàn thể các Thầy Cô giáo luôn mong muốn đem những điều tốt đẹp nhất đến các con nhằm tạo nên một thế hệ công dân mới “nói được, làm được”, “có đức có tài”, để rồi tương lai không xa, các con không chỉ mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình, mà còn đóng góp cho sự phát triển và hạnh phúc của toàn xã hội.