Những lợi ích tuyệt vời khi dạy trẻ nấu ăn
Nấu ăn không đơn thuần là việc nhà hay kỹ năng mà tất cả mọi đứa trẻ đều cần phải biết vì những bài học đầu đời về tình cảm gia đình cũng từ gian bếp mà ra. Ở Nhật, trẻ 4 tuổi đã có thể làm được việc này. Ở Mỹ hoặc Úc có những đứa trẻ mới 7 tuổi đã có thể nấu ăn như một đầu bếp chuyên nghiệp.
Đứng ở góc độ khoa học, khi trẻ ba tuổi đã bắt đầu tham gia vào các công việc gia đình, trong đó có nấu nướng thì trẻ sẽ có nhiều khả năng để hoàn thành tốt công việc học hành của mình hơn, có sự nghiệp thành công hơn và có mối quan hệ tốt với những người xung quanh khi trưởng thành.
Xét ở góc độ tình cảm gia đình, học nấu nướng là cách để trẻ hiểu tầm quan trọng của bữa ăn gia đình, là cơ hội để bé thêm yêu thương gia đình. Đặc biệt, việc vào bếp sẽ giúp kéo trẻ rời khỏi màn hình ti vi, trò chơi điện tử trên điện thoại hoặc máy tính bảng để trẻ được sống với thế giới thực sinh động và nhiều màu sắc.
Các bố mẹ có để ý thấy bé nhà mình rất hay quanh quẩn bên mẹ khi mẹ làm bếp? Nhiều khi bố mẹ muốn “ủn” con ra phòng khách chơi nhưng bé cũng chẳng chịu đi. Đó là bởi việc nấu ăn thật sự mang lại cho bé quá nhiều điều hấp dẫn và bổ ích. Hãy xem đó là những điều gì nhé!
TOÁN HỌC
Còn lúc nào hiệu quả hơn lúc cân đo các nguyên vật liệu để dạy cho bé về “ít hơn”, “nhiều hơn”. Những từ vựng toán học quan trọng mà trẻ cần hiểu và có thể học qua việc nấu ăn rất phong phú như tính toán (đủ, không đủ, gần đủ, bao nhiêu, đếm….), so sánh (giống nhau, lớn hơn, nhỏ hơn, thứ nhất, thứ hai….), cộng trừ (thêm một, bao nhiêu cái còn lại, phải thêm bao nhiêu cho đủ…), hình dạng (bằng phẳng, tròn, thẳng...), vị trí (trên cùng, dưới đáy, bên cạnh…), hướng dẫn (tiến hành, bắt đầu từ, kế tiếp…).
NGÔN NGỮ
Trẻ học được nhiều vốn từ và khái niệm mới qua việc thảo luận trong lúc nấu ăn. Trẻ biết công thức nấu ăn và hiểu rằng phải theo đúng hướng dẫn để đạt được kết quả như ý. Trẻ có thể học tên các vật liệu và những từ ngữ như: Nạo, cắt, thái, rây, trộn, lăn, tan ra, v.v.
KHOA HỌC
Khi học nấu ăn, trẻ được tiếp xúc với các khái niệm khoa học liên quan đến sự thay đổi của vật liệu như: Rau sẽ mềm hơn khi được cho vào nồi nước sôi, hỗn hợp bánh từ dạng lỏng trở nên cứng trong quá trình nướng, nước ép sẽ biến thành những viên kẹo đá khi bị đông… Nấu ăn cũng mang đến cho trẻ cơ hội tuyệt vời để tìm hiểu thực phẩm đến từ đâu, các loại thực phẩm khác nhau phát triển ở đâu và như thế nào… Trẻ cũng có thể học rất nhiều điều qua những câu hỏi đặt ra trong nhà bếp như trẻ cần ăn gì để có sức khoẻ tốt.
KỸ NĂNG VẬN ĐỘNG
Các thao tác khi nấu ăn như cầm muỗng, hòa lẫn, đập, lắc, đổ, cuộn hoặc cắt sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động tinh trong khi việc khuyến khích trẻ ngửi và nếm các nguyên liệu sẽ giúp hoàn thiện giác quan của trẻ.
PHÁT TRIỂN TÌNH CẢM VÀ KỸ NĂNG GIAO TIẾP
Nấu ăn là cầu nối rất tốt cho việc giao tiếp với mọi người xung quanh. Khi cùng làm một món gì đó với bạn bè, trẻ có thể học được cách chia sẻ, phối hợp, kỹ năng làm việc nhóm hoặc thay phiên nhau làm việc như thế nào. Sau đó, khi việc nấu ăn kết thúc, mọi người có thể ngồi xuống và cùng nhau thưởng thức.
VUN BỒI TÂM TRI ÂN VÀ LÒNG BIẾT ƠN
Khi thực tập nấu ăn, trẻ sẽ cảm nhận được sự vất vả của những người nấu nướng phục vụ mọi người. Nếu không tự mình vào bếp, làm sao con hiểu được rằng bà và mẹ đã phải vất vả, kỳ công như thế nào để nấu ra được một món ăn. Và sự đồng cảm, tình yêu thương, lòng biết ơn đối với bà, mẹ và những người làm công việc nấu nướng sẽ được hình thành một cách tự nhiên. Từ đó, trẻ bớt sự đòi hỏi hoặc phàn nàn khi món ăn không được như ý thích của mình.
Nếu trong quá trình dạy con cách nấu nướng, Mẹ chia sẻ về sự vất vả “một nắng hai sương” của bác nông dân làm việc trên cánh đồng để trồng ra được một củ rà rốt hoặc một cây bắp cải thì con sẽ biết thương những người nông dân lao động cực nhọc, biết trân quý sức lao động và biết tiết kiệm thực phẩm, đồ ăn thức uống.
ỨNG DỤNG “PHÉP TẮC NGƯỜI CON”
Trong lúc dạy con nấu ăn, cô giáo và bố mẹ có thể giảng giải để giúp con hiểu hơn về những câu thơ trong cuốn sách “Phép tắc người con”. Chẳng hạn như khi thái rau, khi bật bếp điện thì các con nên chú ý “chớ làm vội, vội sai nhiều”. Khi Mẹ nấu nướng thì con nên phụ giúp mẹ làm việc vì “cha mẹ thích, dốc lòng làm”. Khi cả lớp, cả nhà cùng nhau thưởng thức thành quả thì các con nên vui vẻ thực hiện câu thơ “với ăn uống, chớ kén chọn”. Trước khi ăn, con nên mời người lớn (ông bà, bố mẹ, cô giáo…) thưởng thức món ăn trước rồi mới đến lượt mình ăn sau, đó là thực hành câu “người lớn trước, người nhỏ sau”.
Dạy con nấu ăn rất cần sự dụng công của cha mẹ & thầy cô. Các con sẽ dần trưởng thành khi được trải nghiệm mình trở thành một người có ích, biết làm những công việc chăm sóc gia đình. Đây cũng là hoạt động giúp các con hình thành một số thói quen, nề nếp về cách ứng xử lễ phép và tôn trọng đối với mọi người xung quanh.
Các bé học nấu ăn tại Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức
Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức
Tự tin – Tình yêu – Trách nhiệm