Dạy con kỹ năng dùng sáu giác quan để quan sát và chăm sóc Ông Bà, Cha Mẹ
Chương trình Kỹ năng sống “Phép tắc người con”
Định hướng giáo dục của Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức là thông qua chương trình Kỹ năng sống “Phép Tắc Người Con” để giúp các con phát triển nhân cách và học cách làm người, làm việc.
Thông qua các bài thơ, bài hát phù hợp với lứa tuổi mầm non, các Cô giáo giúp các con hiểu chức năng nhiệm vụ của sáu giác quan. Sau đó, các Cô giáo tiến thêm một bước, dạy các con kỹ năng sử dụng sáu giác quan để tập trung quan sát, quan tâm và chăm sóc Ông Bà, Cha Mẹ, Thầy Cô từ những chi tiết nhỏ.
1. Kỹ năng quan sát bằng mắt (Thị giác)
Người con biết dùng mắt nhìn xung quanh, quan sát sắc mặt của Cha Mẹ để cảm nhận sức khỏe và tinh thần của Cha Mẹ như: Cha Mẹ mệt mỏi, mắt thâm quầng mất ngủ, đau lưng, đau chân, đau tay, lo lắng, vui vẻ, tức giận, buồn bực…Từ đó, con cái có những hành động, lời nói phù hợp giúp Cha Mẹ được khỏe mạnh và vui vẻ như đấm lưng, bóp vai cho Cha Mẹ…
2. Kỹ năng lắng nghe bằng tai (Thính giác)
Người con biết dùng tai để lắng nghe xung quanh, lắng nghe từng lời nói, sở thích, mong muốn của Cha Mẹ, lắng nghe những câu chuyện Cha Mẹ kể để từ đó mà “dốc lòng làm” những điều “Cha Mẹ thích”, “cẩn thận bỏ” những điều “Cha Mẹ ghét”.
3. Kỹ năng ngửi bằng mũi (Khứu giác)
Người con biết dùng mũi ngửi để chăm sóc sức khỏe của Cha Mẹ.
VD: Nếu thấy phòng ở hoặc nhà vệ sinh có mùi hôi thì người con không ngại đi lau dọn vệ sinh để giữ cho nơi ở của Cha Mẹ được sạch sẽ và trong lành.
4. Kỹ năng nếm bằng lưỡi (Vị giác)
Người con biết dùng lưỡi nếm thử và kiểm tra độ nóng, lạnh của nước hoặc thuốc trước khi mời Cha Mẹ uống để Cha Mẹ không bị bỏng. Người con biết dùng lưỡi nếm thức ăn rồi điều chỉnh gia vị cho vừa miệng để Cha Mẹ không bị ăn mặn quá hoặc nhạt quá..
Trong chương “Ở nhà phải hiếu”, các con được học câu thơ:
“Cha Mẹ bệnh, nếm thuốc trước.
Ngày đêm hầu, không rời giường”.
5. Kỹ năng chạm, sờ bằng tay (Xúc giác)
Người con biết dùng tay để chạm, sờ vào thân thể của Cha Mẹ để để kiểm tra và cảm nhận sức khỏe của Cha Mẹ. Ví dụ người con dùng tay để sờ trán, sờ lòng bàn chân, lòng bàn tay của Cha Mẹ xem Cha Mẹ để xem chân tay Cha Mẹ có bị lạnh hoặc Cha Mẹ có bị sốt không.
6. Kỹ năng suy nghĩ (Tư duy)
Người con biết tư duy, suy nghĩ, trong tâm có thể thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc, niềm vui, nỗi buồn, lo lắng, suy nghĩ của Cha Mẹ.
Cha Mẹ cùng đồng hành
1. Cha và Mẹ cùng phối hợp để dạy con
Để giúp cho tâm hồn trẻ thơ trong sáng của các con không bị ô nhiễm, khi ở nhà Bố Mẹ không nên cho con chơi những đồ chơi thiếu tính giáo dục như súng, gươm…, hạn chế cho con tiếp xúc với điện thoại, không cho con chơi game, không cho con xem những phim hoạt hình chỉ mang tính giải trí mà thiếu tính giáo dục.
Thật tuyệt vời khi cả gia đình cùng phối hợp để dạy con dùng sáu giác quan (thị giác – nhìn, xúc giác – chạm, thính giác – nghe, khứu giác – ngửi, vị giác – nếm và tư duy – cảm nhận) để quan sát, quan tâm và chăm sóc những người thân trong gia đình. Cha dạy con biết đến sự vất vả của Mẹ. Mẹ dạy con biết đến sự vất vả của Cha. Cha Mẹ dạy cho con biết đến sự vất vả của Ông Bà.
2. Cha dạy con quan sát Mẹ
Ví dụ nếu thấy Mẹ đang bận rộn nấu cơm thì con chủ động đến bên Mẹ để hỗ trợ Mẹ nhặt rau, rửa rau…
3. Mẹ dạy con quan sát Cha
Ví dụ nếu thấy Cha vừa đi làm về, có vẻ rất nóng bức thì con lấy nước mời Cha uống, hỏi thăm sức khỏe của Cha…
4. Cha Mẹ dạy con quan sát Ông Bà
Ví dụ nếu thấy Ông Bà đang có vẻ buồn bực, không vui thì con đến hỏi thăm, nói lời yêu thương, hát cho Ông Bà nghe để Ông Bà vơi đi tâm trạng không tốt…
Để việc giáo dục con cái thực sự hiệu quả, để các con có thể “học đi đôi với hành” thì không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa Gia Đình và Nhà trường, giữa Phụ huynh và Thầy Cô, giữa Bố và Mẹ. Khi Cha Mẹ cùng Thầy Cô dùng thân giáo – làm gương để dạy dỗ và nhắc nhở các con thì các con sẽ có nhân cách tốt đẹp và tương lai tốt đẹp.