VUA LÝ NAM ĐẾ giữ chữ Tín với Phật Môn, lấy “Thiện” lấy “Đức” để trị quốc

VUA LÝ NAM ĐẾ giữ chữ Tín với Phật Môn, lấy “Thiện” lấy “Đức” để trị quốc

Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17 tháng 10 năm 503). Từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, sớm hiểu biết. Khi Lý Bí năm tuổi thì cha mất, bảy tuổi thì mẹ qua đời. Ông đến ở với chú ruột. Một hôm, có một vị Pháp tổ Thiền sư đi ngang qua, trông thấy Lý Bí khôi ngô, tuấn tú liền xin Lý Bí đem về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm rèn sách chuyên cần, Lý Bí trở thành người học rộng, hiểu sâu. Nhờ có tài văn võ kiêm toàn, Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương.
Lý Bí có tài, được Thứ sử Tiêu Tư nhà Lương mời ra làm chức Giám quân ở Đức Châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư hà khắc tàn bạo nên mất lòng người. Do bất bình với các quan lại đô hộ tàn ác, Lý Bí bỏ quan, về quê, chiêu binh mãi mã chống lại chính quyền đô hộ.

Tháng Giêng năm 544, Lý Bí tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức (Đức Trời), lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn rằng xã tắc truyền đến muôn đời. Ông đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội), dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, thành lập triều đình với hai ban văn, võ và lấy Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ. Lý Nam Đế đóng đô tại một tòa thành được xây ở cửa sông Tô Lịch (thuộc Hà Nội ngày nay).

 

LỜI BÀN:
Vua Lý Nam Đế lập nước trị quốc đã luôn đặt chữ “Thiện”, chữ “Đức” lên đầu. Không phải ngẫu nhiên ngay buổi đầu lập nước, Vua Lý Nam Đế đã cho xây dựng chùa Trấn Quốc, hoằng dương Phật pháp, khai mở thiện tâm của chúng dân. Bản thân Vua Lý Nam Đế tinh thông đạo Phật, Phật tính rất cao, mà bách quan trong triều Vạn Xuân nhiều người đều lấy đạo Phật làm gốc nước. Các chùa chiền vùng Luy Lâu, Cổ Loa, Long Uyên, Câu Lậu, Chu Diên, Vũ Bình, Căn Linh, Phong Khê, Phạm Tín, Gia Hưng, Ngô Định, Phong Sơn thuộc các quận Tống Bình, Vũ Bình, Tân Xương, Ninh Hải… và mọi đình miếu đều được sửa sang hương khói, khiến nhân tâm trong vùng theo về cửa Phật ngày càng đông. Đó chính là cái gốc vững bền của nước được khởi nguồn từ căn thiện nơi cửa chùa vậy.
Nhà nước Vạn Xuân được thành lập là một tất yếu lịch sử của tinh thần quật cường dân tộc chưa bao giờ khuất phục trước cường quyền phương Bắc, tự khẳng định mình bằng đức độ, tài năng bẩm sinh, trường tồn của con người Lạc Việt. Đây là cột mốc vô cùng đáng tự hào trong lịch sử Đại Việt.