Vua Lê Thánh Tông tự mình hầu mẹ, nếm thức ăn
Trong lịch sử Việt Nam có nhiều tấm gương hiếu thảo cảm động lòng người, trong đó có vua Lê Thánh Tông (1442-1497).
Khi hoàng thái hậu bị ốm, vào mùa đông, vua cùng hoàng thái tử ngày đêm chăm sóc, không lúc nào không kề bên. Khi dâng thuốc hay đồ ăn, vua nhất định tự mình nếm trước. Trong thì kêu với Tổ Tiên, ngoài thì dốc lòng cầu khẩn Trời Phật nguyện cầu cho mẫu thân bình phục, đến khi mẫu thân hấp hối, vua cũng vẫn chân thành cầu nguyện. Mọi việc mặc áo, khâm liệm, vua đều tự làm lấy để tỏ lòng đau xót.
Trong cuốn sách “Phép tắc người con”, người xưa dạy: “Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước; Ngày đêm hầu, không rời giường”. Vua đã thực hiện đúng theo lời dạy của người xưa, làm ra tấm gương hiếu thảo với hoàng thái hậu, nên thái tử sau này cũng vô cùng hiếu thảo với vua cha.
Người xưa dạy: “Tang ba năm, thường thương nhớ”. Sử sách ghi chép rằng khi vua Lê Thánh Tông băng hà, hoàng thái tử tập hợp các triều thần mà than rằng: “Con sinh ra ba năm mới khỏi cha mẹ bế ẵm trong lòng. Vì thế, ngày xưa để tang cha mẹ, có quy định là ba năm. Trên từ Thiên tử, dưới đến thứ dân đều theo thế cả. Nay Thánh thượng Hoàng đế lìa bỏ trăm họ lên chầu Thượng đế, ta rất đau đớn xót thương, báo đức không thể nào cho cùng. Các khanh nên nghị bàn tang chế ba năm để nguôi lòng ta nhớ tiếc”.
Đại thần và các quan đều dập đầu thưa rằng: “Hiếu là gốc lớn của đạo trị thiên hạ. Nay điện hạ theo được đạo hiếu, tôn nối luân thường, dẫu Đế Thuấn là bậc đại hiếu, Vũ Vương là bậc đại hiếu cũng không hơn được, bọn thần đâu dám không tuân lệnh thi hành”. Bấy giờ triều đình mới định tang ba năm.
Lời bàn:
Vua Lê Thánh Tông không chỉ là một vị vua anh minh, tài giỏi mà còn là một người con hiếu thảo. Người xưa nói: “Ta hiếu thảo với cha mẹ, con cũng sẽ hiếu thảo với ta. Còn đã không hiếu thảo, hỏi sao con hiếu thảo với ta được? Người hiếu thuận lại sinh con hiếu thuận, người ngỗ nghịch lại sinh con ngỗ nghịch. Nếu không tin thì hãy xem nước mái nhà nhỏ xuống, giọt giọt không sai lệch”. Lời người xưa dạy bảo thật là quý báu. Nhờ làm theo những lời dạy đó mà vua Lê Thánh Tông và thái tử đã để lại tấm gương Hiếu cho các thế hệ sau.
Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức
Tự tin – Tình yêu – Trách nhiệm