Ngự sử Đại phu Trương Đỗ nhường thức ăn ngon cho Cha Mẹ

Ngự sử Đại phu Trương Đỗ nhường thức ăn ngon cho Cha Mẹ

Trương Đỗ là người thôn Phù Tải 2, xã Thanh Giang, Thanh Miện, Hải Dương. Ông đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Ngự sử đại sư. “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép:“Đỗ làm quan thanh liêm nghèo túng, không gây dựng điền sản, con cháu nối đời làm quan, cũng có tiếng nghèo mà trong sạch”. Ông nổi danh sử sách với ba lần dâng sớ can gián Vua Trần Duệ Tông không đi đánh Chiêm Thành. Vua không nghe, ông treo mũ về quê. Bởi không nghe can gián của tôi trung, Vua Trần Duệ Tông rơi vào bẫy giặc và tử trận.

Không chỉ là một vị quan thanh liêm, trung quân ái quốc, Trương Đỗ còn là một tấm gương sáng về lòng hiếu thảo, lưu danh muôn đời. Tích xưa truyền rằng, Trương Đỗ sinh ra trong một gia đình nghèo. Vì thương cha mẹ nên ông quyết chí học hành, từ nhỏ đã nổi tiếng học giỏi, văn võ song toàn. Khi ông lên thành Thăng Long trọ học ở nhà một người quen, Trương Đỗ làm thêm nghề dạy học cho con cháu chủ nhà để được miễn tiền ăn ở, đồng thời tranh thủ làm thêm các công việc khác như hái dâu, tỉa cây, bủa lưới để có thêm tiền gửi về quê phụng dưỡng cha mẹ.

Nhờ cần mẫn, chăm chỉ cùng tư chất thông minh, đến đời Vua Trần Nghệ Tông, Trương Đỗ thi đậu Thái học sinh (Tiến sĩ). Khi đạt công danh sự nghiệp, ông đón cha mẹ lên kinh thành chăm sóc. Ông quan tâm cha mẹ từ bữa ăn giấc ngủ hàng ngày, chăm lo hết lòng khi cha mẹ đau ốm.

Ông và con cái thường ăn cơm độn, dưa cà là chính, để dành gạo ngon, thức ăn ngon cho cha mẹ. Trương Đỗ phụng dưỡng cha mẹ già tròn đạo hiếu. Khi cha mẹ tạ thế, ông vô cùng đau buồn nên viết những lời điếu bi ai, dân làng nghe đều cảm động.

Cảm mến tài đức của Trương Đỗ, khi ông mất, dân làng tôn ông làm Thành hoàng, đời đời thờ phụng tại đình làng Phù Tải. Trải qua các triều đại phong kiến, Thành hoàng Trương Đỗ đều được ban tặng sắc phong ghi nhận công lao và cho phép bản xã thờ tự.

Lời bàn:

Những lời dạy của cổ nhân về đạo hiếu với Cha Mẹ, Trương Đỗ đều thực hành từ tâm:

Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước

Ngày đêm hầu, không rời giường
Tang ba năm thường thương nhớ
Chỗ ở đổi, không rượu thịt”.

Người xưa nói: “Hàn môn sinh quý tử’, cha mẹ nghèo nuôi con nên người, con tận hiếu báo ân cha mẹ. Ngự sử đại phu Trương Đỗ đã lấy chữ “Hiếu” làm cái gốc của đạo đức, nhờ đó trưởng dưỡng đức hạnh, giữ tiếng thanh liêm, trung quân ái quốc. Quả thật như lời người xưa: “Chưa từng có người hiếu mà lại bất trung, cũng chưa từng có người hiếu mà lại bất nhân”. Nhờ trọn đức hiếu, lòng trung, Ngự sử đại phu Trương Đỗ đã để lại tiếng thơm, lưu danh muôn đời.

Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức

Tự tin – Tình yêu – Trách nhiệm