Tìm hiểu ý nghĩa của chữ “TRUNG”
Người xưa dạy chúng ta: “Làm tôi phải tận trung, làm con phải tận hiếu”. Đây là chuyện thường của lẽ tự nhiên, là gốc của các mối quan hệ giữa người với người. Giá trị trung tâm của văn hóa truyền thống chính là “Trung” và “Hiếu”. Bởi vậy, “trung thần” và “hiếu tử” xuyên suốt trong các thời đại lịch sử đều được người đời tôn sùng, kính trọng.
Trước đây vào thời đại phong kiến, người làm tôi phải tận trung, tức là người bị lãnh đạo đối với người lãnh đạo phải biết tận trung. Thời nay, người biết “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” thì cũng gọi là “trung”. “Trung thần xuất thân từ người con hiếu thảo”, người con hiếu thảo thì cũng sẽ trung với đất nước, trung với nhân dân.
Nhưng từ lịch sử mà soi xét, người con hiếu phần lớn đều được xuất sinh trong các gia đình bần cùng, khốn khó; Còn bề tôi trung lại phần lớn xuất hiện khi đất nước rơi vào cảnh nguy nan. Bởi vậy, người xưa mới đúc kết lại thành câu: “Hàn môn xuất hiếu tử, quốc phá thức trung thần”, nghĩa là nhà nghèo sinh ra con hiếu thảo, vận nước nguy nan mới biết trung thần.
Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử cũng nói: “Đại đạo mất thì mới có cái gọi là nhân nghĩa, trí tuệ sinh ra thì mới có cái gọi là dối trá lớn, lục thân bất hòa thì người đời mới tôn vinh kẻ hiếu người lành, đất nước rối loạn thì trung thần mới xuất hiện”. Trong lịch sử nước ta đã có rất nhiều minh chứng cho điều này. Như tinh thần trung trinh ái quốc của Ngài Trần Bình Trọng, khi ông bị bắt, bị đe dọa rồi bị mua chuộc, nhưng vẫn một lòng son sắt với Tổ quốc, khẳng khái nói với lũ giặc cướp nước: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Ngài Nguyễn Công Trứ lúc 80 tuổi vẫn xung phong ra trận; Ngài Nguyễn Tri Phương, vị tướng già vẫn giữ lòng trung nghĩa; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” khi Người đang lâm trọng bệnh… Đó đều là những bậc tôi trung, hết lòng tận tụy với đất nước, người người khâm phục và kính trọng.
Người xưa nói: “Gió lớn mới biết cỏ cứng, hỗn loạn mới biết trung thần”. Trong lúc “gió yên” thì “cỏ cứng” sẽ hòa lẫn vào với những loại cỏ thông thường khác, cũng giống như trong cuộc sống bình hòa thì “trung thần” cũng dễ dàng bị lẫn lộn trong người thường vậy, thậm chí khó để phân biệt gian thần và trung thần.
Ở vào mỗi một khoảng thời gian khó khăn, ở vào nghịch cảnh, thậm chí ở vào lúc nguy hiểm đến sinh mệnh, nếu như vẫn có thể kiên trì giữ vững niềm tin và đức hạnh của bản thân, thì đó mới thực sự là “trung thần nghĩa sĩ”, là người quân tử đáng tôn kính. Đây chính là lý do mà từ thời thiên cổ đến nay, rất nhiều người cho dù bị thất bại những vẫn được hậu thế tán dương và kính trọng.
Là người Việt, chúng ta hãy lật từng trang sử để càng thêm yêu đất nước và con người Việt Nam. Dân tộc ta có rất nhiều gương Trung Hiếu, đó đều là những tấm gương sáng để con cháu ngàn đời kế thừa và tiếp nối.