Tể tướng KHƯƠNG CÔNG PHỤ
Giữ chữ tín với Thầy, người Việt làm Tể tướng Trung Hoa
Khương Công Phụ (731 – 805) tự Đức Văn, nguyên quán tại hương Sơn Ổi, xã Cổ Hiển, huyện Quân Ninh, Ái Châu, quận Nhật Nam (nay là làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).
Theo cuốn tộc phả của họ Khương ở Thạch Thất (Hà Nội), ông nội Khương Công Phụ là thứ sử Ái Châu (thuộc vùng đất Thanh Hóa ngày nay) tên Khương Thần Dực. Khương Thần Dực sinh ra Khương Văn Đĩnh làm đến Huyện thừa Tiến sĩ. Khương Văn Đĩnh lại sinh ra 2 anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục.Người học trò kiệt xuất
Khương Công Phụ thiên tư thông minh, có trí nhớ tuyệt vời. Từ khi còn nhỏ, cậu bé đã tự học thuộc và viết được tất cả chữ Hán đề trên các ô thuốc Bắc. Cha cậu thấy vậy thì vui mừng tìm thầy giỏi dạy con. Thầy của Công Phụ là một nhân tài người Trung Quốc đã từng đỗ đại khoa, vì chán cảnh triều đình bên chính quốc, nên đã lánh sang Cửu Chân (Thanh Hoá ngày nay), tìm nơi ẩn dật. Thấy Công Phụ học chữ rất nhanh, tính nết cần cù, lễ phép, thầy càng thêm yêu mến và dốc hết tâm huyết để dạy dỗ Khương Công Phụ, với hy vọng thiết tha gửi gắm cho đứa trẻ này cái chí hướng và đạo học bình sinh của ông.Đáp lại sự kỳ vọng của Thầy, Khương Công Phụ ngày đêm học tập, tiến bộ rất nhanh, thấu hiểu nghĩa lý trong “Tứ thư”, “Ngũ kinh”. Càng học, cậu càng nhận ra bể học thật mênh mông, nên càng ham thích, say mê.
Chẳng mấy chốc đã tới kỳ khảo hạch ở quận, Khương Công Phụ đã làm cho tất cả quan trường người Tàu kinh ngạc. Bất kể hỏi về kinh sử hay thơ phú, bài làm của Công Phụ đều xuất sắc, tỏ rõ một lực học phi thường. Kỳ khảo ấy, cậu xếp hàng đầu trong danh sách 8 sĩ tử của 8 quận đất Giao Châu, được về Trường An dự khoa thi Tiến sĩ, dưới triều vua Đường Đức Tông, niên hiệu Trinh Nguyên (780-784).
Trước khi lên đường, Công Phụ đến chào thầy. Thầy tặng đứa học trò giỏi của mình cuốn sách ghi chép những lời dạy của Thánh hiền, rồi cầm tay trò ngậm ngùi dặn dò: “Khi con trở về chắc không còn gặp lại ta. Ta cảm thấy trong người đã yếu lắm, ngày về cõi vĩnh hằng không còn xa nữa. Ta chỉ cầu mong con đỗ đạt và biết đem những điều Thánh hiền dạy người quân tử để xử sự với đời, thì ta thật thỏa lòng vì đã được con đền đáp rồi đó!”
Ghi nhớ lời dạy của Thầy, Khương Công Phụ cùng các sĩ tử khác lên đường vượt ngàn gian khó xa xôi đến Trường An. Ở đây, ông ngày đêm học tập và dò la tin tức của người em trai đã thất lạc từ bé. May thay ông tìm được em khi biết em trai cũng dự kỳ thi này cùng mình. Hai anh em gặp nhau, cùng ôn lại chuyện xưa và hứa hẹn ghi danh bảng vàng, rạng rỡ tổ tông.
Quả nhiên, khoa thi Tiến sĩ năm Canh Tý, dưới triều Đường Đức Tông (784), hai anh em họ Khương người Việt, đất Giao Châu cùng đỗ đại khoa đã làm chấn động cả đất Trường An – Trung Quốc:
“Nhất triều trung huynh đệ đồng khoa
Thiên tải hạ Bắc Nam khởi kính”.
Riêng Khương Công Phụ với bài thi xuất sắc đã vượt qua hàng ngàn sĩ tử, trở thành khôi nguyên Tiến sĩ cả nước Đại Đường. Sử sách Trung Hoa khi thuật lại sự kiện này, đã thừa nhận: “Thời Đường, văn sĩ An Nam kiệt xuất có Khương Công Phụ, người Ái Châu, quận Nhật Nam…”
Sau khi đỗ Trạng nguyên, Khương Công Phụ được vua Đường phong chức “Hiệu thư lang” (chức quan văn); còn người em là Khương Công Phục làm “Lang trung bộ Lễ” rồi “Bắc Bộ Thị Lang”.
Với trí tuệ và phẩm cách hơn người, Khương Công Phụ đã có nhiều chính sách và công lao lớn cho nhà Đường, được vua Đường Đức Tông rất kính nể, rồi phong cho ông những chức vụ cao như “Tả thập di Hàn lâm học sĩ”, kiêm chức “Hộ tào tham quân”, rồi đến Tể tướng, kiêm Gián nghị đại phu xếp hàng nhất phẩm chuyên can gián vua.
Tỏ lòng yêu mến, vua Đường đã ban tặng ông một túi gấm thêu và bài chế tạm dịch mấy câu:
“Điều hòa âm dương cho năm tháng vẹn toàn
Đổi thay hoá dục cho Thánh đề thịnh trị
Như dao sắc được mài giúp vua làm đúng
Như mây mưa khi hạn cứu dân có lòng”.Lời bàn:
Người quân tử thời xưa luôn lấy chí của Thầy làm chí của mình, tôn sư trọng đạo, cố gắng nghe theo lời thầy dạy. Khương Công Phụ cả đời khắc ghi lời thầy của mình dạy: “Mong con đỗ đạt và biết đem những điều Thánh hiền dạy người quân tử để xử sự với đời, thì ta thật thỏa lòng vì đã được con đền đáp rồi đó!” Ông đã theo nguyện vọng của thầy, đỗ đạt khoa cử, mang hết đức hạnh, tài học của mình để phò vua giúp nước, can gián vua đúng lúc, làm lợi ích cho muôn dân, trở thành một giai thoại lừng lẫy trong lịch sử nhà Đường, Trung Quốc khiến nhân dân cả hai nước Bắc, Nam đều tôn kính, để lại tiếng thơm muôn đời sau. Công Phụ đã không phụ lòng thầy và trọn đời giữ chữ tín với người thầy già của mình: Lấy đức hạnh để cảm hóa lòng người, lấy tài học mà phục vụ đất nước, vì nhân dân mà cống hiến.(Đền thờ Khương Công Phụ tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).