Sự nghiệp cách mạng và nhân cách cao đẹp của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Ngày 14/11/2021, các Thầy Cô thuộc Hệ thống Giáo Dục Khai Minh Đức được tham dự buổi học Tìm Hiểu Lịch Sử Việt Nam, với chủ đề Cuộc Đời và Sự Nghiệp Của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cũng như nhiều buổi học tìm hiểu lịch sử khác, các Thầy Cô đã tràn ngập cảm xúc về đất nước, về một thế hệ anh hùng của những người Việt Nam.
Điều đọng lại sâu sắc nhất về Thủ tướng Phạm Văn Đồng đối với những người đã từng gắn bó là tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, nhân cách cao đẹp của một người học trò xuất sắc trọn đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nói về đạo đức cách mạng, Bác Hồ từng viết:
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành người.
CẦN
CẦN tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai.
Khác với nhiều lãnh đạo thường có thói quen nhờ thư ký soạn thảo các bài phát biểu, bao giờ Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng tự tay soạn các bài phát biểu của mình, rồi sau đó mới đưa cho thư ký đọc để đóng góp ý kiến, chỉnh sửa.
Trong những năm cuối đời, khi đôi mắt không còn sáng rõ do chứng teo dây thần kinh đáy mắt, Ông vẫn không ngừng nghỉ cống hiến cho Tổ quốc. Ông tự tìm ra phương pháp luyện tập cho mắt và kiên trì thực hiện hàng ngày. Khi nhận thấy đôi mắt ngày càng kém đi, Ông thân tình, nhờ các cán bộ giúp việc sắp xếp lại lịch làm việc, sinh hoạt, tập thể dục, làm sao để Ông có đủ thời gian làm việc, tiếp khách, suy nghĩ về những vấn đề quan tâm, đi thăm người thân, bạn bè, đồng chí, đồng bào các địa phương… Các cán bộ không khỏi xúc động trước tinh thần lao động, làm việc siêng năng, cần cù của một vị Thủ tướng đã về hưu nhưng không cho phép mình một ngày ngơi nghỉ.
Khi được mời đến hội nghị phát biểu ý kiến hay viết bài đăng báo nhân các ngày lễ lớn, Cố Thủ tướng thường đọc, nghe, chuẩn bị trong đầu óc hàng tuần lễ, vài tuần cho đến hàng tháng trời. Sau đó Ông mới đọc cho các cán bộ ghi chép, đánh máy. Ông nghe đi nghe lại và chỉnh sửa nhiều lần đến mức các bài phát biểu ông gần như thuộc lòng. Khi đến hội nghị, ông nói vo mà không hề nhầm lẫn, trùng lặp hoặc bỏ sót những ý lớn. Cái bài đăng báo ông vừa nghe vừa sửa năm bảy lần cho đến khi thấy hoàn toàn yên tâm mới cho gửi đến các báo và không quên dặn xin ý kiến các nhà báo trước khi đăng.
Cả cuộc đời Cố Thủ tướng là tấm gương lao động cần cù, siêng năng, lao động có kế hoạch, sáng tạo với tinh thần tự lực như một nghĩa vụ thiêng liêng, đúng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
KIỆM
Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi.
Giản dị, khiêm tốn, ghét thói phô trương là nét nổi bật trong nhân cách của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
– Khi cùng làm việc với Bác Hồ và cả sau khi Bác mất, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn giữ nếp sống rất đơn giản với một chút cơm, một chút cá hoặc thịt và mấy cọng rau. Ít ai biết được những kỷ vật, đồ dùng sinh hoạt của Thủ tướng của một đất nước lại rất khiêm tốn, ông dùng vật gì cũng lâu và ít thay đổi. Vật dụng được Thủ tướng yêu quý và gắn bó nhất là chiếc xe đạp do cơ quan mua. Ông dùng làm phương tiện đi lại và rèn luyện sức khỏe trong suốt thời gian ở tại Văn phòng Chính phủ, có những việc Ông tự đạp xe đi chứ không sai cấp dưới hay chờ xe công.
Ngoài ra, những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như chén dĩa, bộ ly trà… cũng được Thủ tướng dùng rất cẩn thận, giữ gìn nên ít hư hỏng. Những vật dụng đó cũng là loại bình thường như người dân sử dụng chứ không phải hàng cao cấp hay hàng ngoại.
Chiếc va ly gắn bó với Thủ tướng gần 20 năm. Nhiều lần anh em đề xuất mua cho ông cái mới tốt hơn, ông không đồng ý. Ông luôn nói cái gì cũ mà còn dùng được thì dùng, không nên lãng phí. Ai cho hoặc tặng cặp mới ông đều cho lại anh em dùng. Đến cái mũ nỉ, khăn len… cũng vậy, ông không cho mua cái mới mà cứ thế dùng nó (kể cả đi nước ngoài).
Sau 53 năm làm thư ký cho Cố Thủ tướng, nhà thơ Việt Phương nhận định: “Sống và làm việc bên Bác Đồng gần 30 năm, tôi như tìm được lẽ sống xứng đáng cho mình, sống tận tâm, tận tụy với công việc, giản dị, không cầu kỳ trong cuộc sống đời thường và đặc biệt là sống trước sau như một”.
– Năm 1994, Cố Thủ tướng tổ chức đám cưới cho người con trai duy nhất của mình là Phạm Sơn Dương tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô. Ông không gửi thiếp báo hỷ, cũng không mời ai, chỉ cho phép các con mời bạn. Thế nhưng gần 1.000 người có giấy mời cũng như không có giấy mời đều đến dự, nói đúng hơn là đến xem đám cưới của con trai vị Thủ tướng lâu năm nhất nước ta có gì. Họ vô cùng ngạc nhiên thấy thật giản dị, trên bàn chỉ bày một ít bánh kẹo thông thường và các ly trà, nhưng không khí thật vui tươi, hạnh phúc.
LIÊM
Liêm là trong sạch, không tham lam
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không bao giờ có ý nghĩ dành riêng cho mình.
– Khi còn làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ ở Nam Trung Bộ, Cố Thủ tướng đề nghị mượn nhà dân làm nơi làm việc của cơ quan. Đi lại bằng xe đạp, ngựa, hoặc đi bộ. Ăn uống, sinh hoạt đều chung với anh em cán bộ cơ quan. Khi trở lại Việt Bắc, nơi làm việc cũng là nơi ở của Cố Thủ tướng là hầm kèo, hoặc hang núi. Trở về Hà Nội, từ khi hoà bình lập lại, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở và làm việc tại căn nhà của viên quản lý dinh Toàn quyền cũ. Vài năm sau khi Chủ tịch HCM qua đời, một căn nhà khiêm nhường gồm 2 tầng đã được xây dựng cạnh Văn phòng Chính phủ, phía góc khuôn viên Phủ Chủ tịch để làm nơi Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa ở, làm việc, tiếp khách và dành làm chỗ ở cho các cán bộ giúp việc. 27 năm căn nhà này đã chứng kiến biết bao sự kiện về cuộc đời và hoạt động của vị Thủ tướng giản dị, liêm khiết. Khi thôi chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông xin trả cho Nhà nước và nói đây là nhà công vụ. Có ý kiến đề nghị lấy ngôi nhà này là nhà lưu niệm,
ông không đồng ý và cười, nói: Thật lãng phí! Nếu được gắn biển ghi mấy chữ: Đồng chí Phạm Văn Đồng đã sống và làm việc tại đây từ… đến … là quý lắm rồi”.
– Khi còn đương chức, có lần Thủ tướng đi tham quan Vịnh Hạ Long và ngỏ ý muốn đi tàu dạo quanh vịnh. Biết tin đó nên hai tàu hải quân đã được lệnh tháp tùng, dẫn đường và bảo vệ Thủ tướng. Thấy tàu hải quân đi ngay trước tàu mình một đoạn, biết là tàu đi bảo vệ mình, Thủ tướng rất giận với các cán bộ ở Quảng Ninh vì Thủ tướng cho rằng Quảng Ninh đã bày vẽ tốn kém, phí tiền của Nhà nước mà chưa có sự đồng ý của Thủ tướng. Phải đến khi người thư ký giải thích việc bảo vệ Thủ tướng là chính sách của Đảng và là nhiệm vụ của các địa phương, thì ông mới nguôi giận và tiếp tục buổi tham quan”.
– Khi đôi mắt của Cố Thủ tướng bị mờ dần trong những năm cuối đời và đi ra ngoài thường phải đeo kính đen. Qua đường ngoại giao, lãnh đạo một số nước gợi ý mời Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang chữa mắt.
Tuy nhiên nước bạn chỉ đài thọ kinh phí trong thời gian ở bệnh viện, còn các chi phí khác như ăn ở, người chăm sóc thì ta phải tự trang trải, tính ra tốn số tiền khá lớn. Sau khi suy nghĩ nhiều ngày, Click Cố Thủ tướng nói với các trợ lý: “Việc đi lại quá tốn kém mà lại là ngoại tệ mạnh, ta đang phải bươn chải tìm kiếm từng đồng đôla để nhập những vật tư, thiết bị cần thiết cho nền kinh tế quốc dân, phục vụ đời sống nhân dân, đi chữa bệnh mà không nắm chắc kết quả, lại tiêu phí tiền bạc của dân là có tội với dân và còn hàm ơn nước bạn. Vậy thì đi làm gì?”.
CHÍNH
Chính nghĩa là không tà, là thẳng thắn, đúng đắn.
– Năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn đương chức, một lần, Bác Hồ sang Phủ Thủ tướng tìm Đồng chí PVĐ để trao đội một vài vấn đề quan trọng nhưng Đ/chí PVĐ đang làm việc tại Văn phòng, cách Phủ Thủ tướng vài trăm mét. Khi đồng chí bảo vệ đạp xe tới báo, vội quá, Thủ tướng dùng ngay chiếc xe đạp của đồng chí bảo vệ phóng về gặp Bác. Đồng chí bảo vệ lập tức chạy bộ theo sau Thủ tướng. Về đến sân, nhìn thấy Bác Hồ đứng chờ sẵn, Thủ tướng vừa xuống xe, chưa kịp chò hỏi gì, Bác đã nói ngay:
– Sao chú không đèo chú bảo vệ đằng sau xe để cùng về, lại để chú ấy chạy bộ?
Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó như chợt nhận ra, vội đáp:
– Xin lỗi Bác.
Đáp vậy, nhưng sau đó đồng chí Phạm Văn Đồng đã suy nghĩ rất kỹ về lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà nghiêm khắc của Bác Hồ. Sáng hôm sau, trong lúc làm việc với một số đồng chí cấp dưới, ông kể lại câu chuyện trên cho mọi người cùng nghe, rồi nói:
– Tôi đã nghĩ về lời của Bác. Lòng nhân ái, thương yêu và kính trọng con người, phải chân thực từ trong tâm của ta, rồi tự nhiên bật ra thành thái độ và hành động, chẳng phải suy nghĩ gì, như là từ bản năng.
Quả thật, ngay cả những nhà lãnh đạo cao cấp nhất cũng luôn luôn cần trau dồi đạo đức, bồi bổ nhân cách và rèn luyện phong cách ứng xử sao cho thực sự nhân ái, xứng tầm.
Tuy đồng chí PVĐ đã làm tới thức Thủ tướng Chính Phủ nhưng khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là người Thầy của mình nhắc nhở, phê bình, Ông đã nghiêm túc tiếp thu sự chỉ bảo của Thầy, suy ngẫm kỹ càng, không hời hợt qua loa mà ghi tâm, khắc cốt, qua đó mà hoàn thiện nhân cách của mình. Ông đã không ngần ngại chia sẻ, không che dấu khuyết điểm, thể hiện tấm gương cầu thị, thành thực cho những đồng chí cấp dưới của mình.
– Một lần, khi ấy đồng chí Phạm Văn Đồng đã nghỉ chức Thủ tướng, đang làm Cố vấn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí vào thăm và có buổi gặp mặt với các bán bộ lãnh đạo, tướng lĩnh về hưu của Quảng Nam – Đà Nẵng. Một đồng chí cán bộ cao cấp đã về hưu phát biểu: Đồng chí Phạm Văn Đồng là một Thủ tướng lâu nhất… Nghe vậy, Cố thủ tướng nói ngay: Làm chức gì đó, lâu hay không lâu có ý nghĩa gì đâu, cái quan trọng nhất là có làm được gì cho dân, cho nước, cho Đảng hay không, chứ lâu mà để làm gì. Tôi tự thấy tôi cũng có không ít khuyết điểm, thiếu sót.
– Trong những năm cuối đời, nhiều người đến thăm, kể cả người nước ngoài, đề nghị Cố Thủ tướng viết hồi ký để giúp người đọc biết thêm về các thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Ông trả lời họ là để suy nghĩ, rồi ông nói với các anh em cán bộ rằng: “Viết hồi ký thường đụng chạm đến người này, người nọ và thông thường là đề cao “cái tôi” của mình hơn mọi người, hơn cả tập thể. Tôi không viết hồi ký mà chỉ tập trung viết về Bác Hồ…” Nhưng viết về Bác là điều cực kỳ khó bởi người ta (cả trong nước và ngoài nước) đã viết hàng trăm cuốn sách về Bác, vậy mình viết cái gì và viết như thế nào, thật không dễ”. Vì vậy, Bằng nghị lực kiên cường, sự tập trung cao độ, ngày đêm suy nghĩ, tư duy, Cố Thủ tướng đã để lại nhiều tác phẩm sâu sắc giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh
CHÍ CÔNG VÔ TƯ
Chí công là rất mực công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị.
– Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một người con trai duy nhất là Thiếu tướng Phạm Sơn Dương. Đó là kết quả của tình yêu giữa ông và bà Phạm Thị Cúc.
Khi Phạm Sơn Dương học tiểu học, có lần, PSD đánh nhau với con của một người sửa xe đầu phố, bị xây xước khắp người. Thủ tướng PVĐ liền cho người đến chuyển lời xin lỗi của ông tới gia đình người thợ sửa xe đó. Người thợ sửa xe đã vô cùng sững sờ và cảm động: “Con trai tôi to con hơn. Nó có bị sao đâu. Chỉ có con trai của Thủ tướng là bị đau. Tôi không ngờ Thủ tướng lại xin lỗi chúng tôi như thế””.
– Khi con trai bước vào tuổi trưởng thành, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ chối tất cả những lời đề nghị cấp học bổng của các nước bạn. Ông không muốn con trai mình hưởng đặc quyền đặc lợi mà yêu cầu con trai mình phải tự rèn luyện bản thân. Vì thế, thay vì cho con đi học nước ngoài, ông quyết định cho con vào quân đội. Quãng thời gian đi học, Phạm Sơn Dương được đối xử như một học sinh bình thường chứ không phải con trai của Thủ tướng.
– Ông ít khi đến trường thăm con nhưng lần viếng thăm nào của ông cũng rất kín đáo, không hề rình rang, nên hiếm ai biết có Thủ tướng ghé qua. Hiểu tính cách của cha mình nên sau này, Phạm Sơn Dương cũng sống rất khiêm tốn. Đi sơ tán hay đi làm việc, không bao giờ Phạm Sơn Dương nói mình là con của Thủ tướng để tránh nhận được sự quan tâm đặc biệt từ mọi người.
Quả thật, với vị trí lãnh đạo nhà nước cao cấp, con trai của Thủ tướng hoàn toàn có thể nhận những đặc ân tương xứng trong sinh hoạt, học tập và làm việc nhưng một lần nữa, tấm gương đạo đức cách mạng Chí công vô tư của Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khiến nhân dân Việt Nam thêm yêu mến, kính trọng và trở thành bài học giá trị cho mọi thời đại.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thể hiện những phẩm chất cao quý của một người cộng sản trung kiên, mẫu mực, đó là đức tính: Tận trung với nước, tận hiếu với dân; dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; chống quan liêu, tham ô, lãng phí; nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, nhân cách; có tấm lòng nhân ái, bao dung…
Đánh giá về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng e là không thể gói gọn trong một bài báo cáo, bởi trong suốt hơn 75 năm hoạt động cách mạng, ông đã để lại nhiều đóng góp to lớn trên rất nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, quân sự cho đến văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ… Khía cạnh nào của ông cũng ngời sáng, độc đáo.
Sau đây xin trích hai ý kiến của hai đồng chí từng gắn bó nhiều năm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở một khía cạnh con người để thấy sự đặc sắc của một nhà lãnh đạo, một vị khai quốc công thần, một nhà văn hóa lớn, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013), người cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã làm việc gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong rất nhiều năm, đã nhận xét: “Tư tưởng Hồ Chí Minh chú trọng đến con người, vì thế theo tôi, nói đến Phạm Văn Đồng là nói đến đạo đức của anh: giản dị, liêm khiết, thanh bạch, yêu thương cán bộ”.
Còn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922 – 2007) thì đúc kết: “Anh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Sự cao đẹp nơi ảnh hưởng không chỉ là tác phong giản dị mà lịch thiệp, lối sống đạm bạc mà văn hóa của một yếu nhân của một đất nước gần trăm triệu người, nhất là một yếu nhân có hiểu biết và nổi danh ở tầm thế giới như anh”..
Tinh thần, ý chí, lòng tự tôn dân tộc cùng tiếng cười hào sảng của Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, một vị cán bộ lãnh đạo vĩ đại của Đảng và Nhân dân Việt Nam đã khép lại phần báo cáo về Sự nghiệp cách mạng và nhân cách cao đẹp của Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng.