HAI BÀ TRƯNG nhường công giết hổ cho chồng
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Hai Bà Trưng (14-43) là dòng dõi Lạc tướng ở Mê Linh. Cha mất sớm, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị được mẹ là bà Man Thiện (cháu ngoại Hùng Vương) nuôi dạy cẩn thận, sớm hình thành tinh thần yêu nước và thượng võ.
Thi Sách, con trai lạc tướng Chu Diên, cũng là người quật cường và giàu lòng yêu nước. Nghe tiếng hai chị em, chàng tìm đến Mê Linh. Hai Bà Trưng vốn biết vài điều về Thi Sách nên đón tiếp niềm nở, mời chàng dự cuộc săn diệt hổ.
Khi đến gần sào huyệt thú dữ, Thi Sách xông vào đánh nhau với nó. Trong lúc con hổ mải vờn nhau với chàng, Trưng Trắc vận dụng tài bắn cung, nhanh tay bắn một mũi tên xuyên qua một mắt hổ. Thấy nó khựng lại, Thi Sách lập tức bồi thêm hai mũi lao hiểm. Trưng Trắc chạy tới gần thú dữ trước tiên, bà kín đáo rút mũi tên của mình, nhường chiến công lại cho chàng trai trẻ.
Tin Thi Sách giết được hổ dữ giúp uy tín chàng tăng cao, tiếng tăm càng thêm lừng lẫy. Cùng chung chí hướng chống Hán, chàng kết hôn với Trưng Vương (Trưng Trắc). Cuộc hôn nhân này tập hợp thế lực hai miền đất nước, gia tăng sức mạnh chống ách đô hộ.
Giữa lúc hai nhà mưu toan nghiệp lớn, thái thú Tô Định lừa mời Thi Sách đến dự yến tiệc rồi giết ông. Nợ nước thêm thù nhà khiến lòng căm thù của Trưng Trắc càng mãnh liệt.
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Lời bàn:
Muốn cho được lòng người, không phải lấy đồng tiền để mua được, không phải lấy quyền thế mà ép được. Kỳ thật chỗ lấy lòng người chỉ ở một chữ “nhường”. Sử gia Lê Văn Hưu đã nhận xét: “Trưng Trắc là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng. Việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, đủ biết tình thế đất Việt ta có thể dựng được nghiệp bá vương”.
Cho nên người đời thường nói:
Có khi nhường để bao dung.
Ta vui người cũng vui cùng có khi.
Có khi nhường để tăng uy.
Có khi nhường để kiên trì bền gan”.
Thế mới biết, người lập chí lớn thì không thể thiếu chữ “nhường”.