HAI BÀ TRƯNG đặt nợ nước lên trên thù chồng
Hai Bà Trưng (14 – 43) là dòng dõi Lạc tướng ở Mê Linh. Cha mất sớm, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị được mẹ là bà Man Thiện (cháu ngoại Hùng Vương) nuôi dạy cẩn thận, sớm hình thành tinh thần yêu nước và thượng võ.
Thời đó, nhà Hán đô hộ nước ta, cử Tô Định làm thái thú Giao Chỉ – bộ phận trung tâm của nước Âu Lạc cũ. Tô Định vốn nổi tiếng tham lam, tàn bạo, gây nên bao nỗi oán thán, uất hận trong nhân dân. Năm Hai Bà Trưng 17, 18 tuổi, một hôm hai chị em đang luyện võ chợt nghe tiếng la hét ngoài trang. Trưng Nhị chạy ra xem thì biết Tô Định sai thuộc hạ Ngụy Húc bắt dân cống nạp ngà voi, sừng tê giác và lông chim quý. Vì mất mùa đói kém, dân không săn được để nộp. Hắn liền sai lính đánh đập dã man.
Trưng Nhị thấy vậy lòng đau xót, vội chạy về báo lại cho chị. Trưng Trắc bảo em: “Trong cảnh nước mất nhà tan, giặc Hán gây bao nỗi đau thương, tang tóc cho dân ta. Chị chỉ muốn đập tan ngay mọi nỗi bất bằng, diệt hết loài giặc Hán để cứu lấy muôn dân ra khỏi cảnh lầm than, chứ không thể ngồi yên chốn phòng the được”. Nghe chị nói, Trưng Nhị cũng bày tỏ ý chí cứu giống nòi, mang lại cuộc sống sung sướng cho người dân. Nói xong, hai chị em cùng đến chỗ Ngụy Húc. Tên này thấy hai chị em xinh đẹp thì buông lời giễu cợt. Trưng Nhị căm tức, rút mũi tiêu đeo bên mình lao về phía hắn. Ngụy Húc sợ tái xanh mặt, vội cầu xin tha mạng. Trưng Trắc can em, bắt Ngụy Húc về cảnh cáo Tô Định nếu còn gây tội ác sẽ bị trừng trị.
Thi Sách, con trai lạc tướng Chu Diên, cũng là người quật cường và giàu lòng yêu nước. Nghe tiếng hai chị em, chàng tìm đến Mê Linh. Cùng chung chí hướng chống Hán, chàng kết hôn với Trưng Vương. Cuộc hôn nhân này tập hợp thế lực hai miền đất nước, gia tăng sức mạnh chống ách đô hộ. Giữa lúc hai nhà mưu toan nghiệp lớn, thái thú Tô Định lừa mời Thi Sách đến dự yến tiệc rồi giết ông.
BÀI HỌC VỀ LÒNG YÊU NƯỚC
Nợ nước thêm thù nhà khiến lòng căm thù của Trưng Trắc càng mãnh liệt. Bà cùng Trưng Nhị tiến hành chiêu binh. Tương truyền, bên bờ sông Hát, bà đã đọc lời thề quyết chiến:
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vỏn vẹn sở công lênh này”.
Sau một thời gian chuẩn bị, Hai Bà Trưng chính thức phát động khởi nghĩa chống nhà Đông Hán. Tuy cái chết Thi Sách là ngòi châm cho cuộc khởi nghĩa, Trưng Trắc luôn đặt nợ nước lên trên thù chồng. Trước giờ khởi nghĩa, một người xin chủ tướng cử tang Thi Sách và mặc tang phục. Trưng Trắc nói: “Việc chiến trận phải quyền biến. Nếu ta tự làm tiều tụỵ thì nhuệ khí ắt tan theo. Ta sẽ mặc giáp phục đẹp đẽ uy nghi để dân trông thấy thì phấn khích, mà giặc trông thấy thì kinh hoàng”.
Quả vậy, khí thế của bà khiến người dân càng thêm tin tưởng. Họ nhanh chóng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa. Khí thế quân Hai Bà Trưng khiến kẻ địch khiếp sợ. Các viên quan cầm đầu trở tay không kịp, không dám chống cự, bỏ chạy về nước. Thái thú Tô Định hoảng hốt, cạo tóc, trà trộn vào loạn quân, vứt bỏ ấn tín mà tháo chạy thoát thân.
Trưng Trắc được suy tôn, xưng là Trưng Nữ Vương. Hai Bà Trưng cai trị lãnh thổ vùng Lĩnh Nam, tiếp tục chuẩn bị chống lại nhà Hán. Bà Trưng lên ngôi chưa đầy hai năm thì tháng 4 năm 42, Hán Quang Vũ phong Mã Viện làm chỉ huy đoàn quân sang xâm lược nước ta. Trên đường tiến đến Mê Linh, quân Hán vấp phải sự chống cự quyết liệt từ quân của các nữ tướng nổi danh dưới trướng Hai Bà Trưng như Thánh Thiên, Bát Nàn, Lê Chân. Sau khi giao chiến với quân do Trưng Vương chỉ huy, Mã Viện hao tổn rất nhiều quân, buộc phải xin thêm chi viện. Quân Hai Bà Trưng chiến đấu dũng cảm nhưng do chênh lệch lực lượng quá lớn nên dần thất thế, phải rút lui về giữ thành Mê Linh. Sau nhiều trận đánh quyết liệt, quân hai bà giữ thành đến tháng 5 năm 43 thì thất thủ. Trưng Vương cùng Trưng Nhị về Hát Môn rồi tuẫn tiết giữa dòng sông Hát.
LỜI BÀN
Thế mới biết:
Giáo gươm bất tất phải râu ria.
Nước lửa nề hà chi yếm thắm”.
Đặt nợ nước lên trên thù chồng, Hai Bà đã đối mặt với quân Đông Hán, phất mảnh cờ tang dậy gió thù nhà, rung đồng Ngọc Lũ sấm vang nợ nước. Thế rồi, nữ sĩ Giao Châu nổi dậy khắp nơi, mến phục tài đức Hai Bà mà theo về dưới trướng, đánh một trận lấy ngọn Luy Lâu. Thái thú Tô Định xõa tóc cạo râu, váy khăn giả gái, rúc cống lội mương mới thoát được về Bắc quốc.
Đúng thật là:
Tài danh cho đào liễu nghiêng soi.
Khí phách để bách tùng luống thẹn.
Cổ súy tự hào hậu thế.
Đắp bồi linh khí tiền nhân.
Mặc dù không giành được thắng lợi cuối cùng, nhưng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vẫn mãi là ngọn cờ giải phóng dân tộc đầu tiên trong lịch sử nước Việt.
Phải biết rằng: Phụ nữ nước Nam từ buổi Âu Cơ trải đến hôm nay, gương dũng liệt xả thân vì nước, lời tôn vinh son đỏ tràn nghiên, kẻ tài hoa danh tiếng để đời, câu ca tụng chữ vàng chật sách. Thật đáng tự hào thay!