Đô đốc Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu từ chối chức quan về chăm sóc Mẹ 

Đô đốc Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu từ chối chức quan về chăm sóc Mẹ 

Lê Phụng Hiểu (982 – 1059) là một vị đại tướng uy dũng nhà Lý, phụng sự ba triều vua đầu tiên của nhà Lý: là Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông. Ông là người có công rất lớn trong việc phò vua Lý Thái Tông còn gọi là Lý Phật Mã lên ngôi.
Lê Phụng Hiểu là người hương Bắc Sơn, Ái Châu (Thanh Hoá). Mẹ của Phụng Hiểu là bà Lê Thị Tố Nương, gần ba mươi tuổi mới lấy chồng. Phụng Hiểu mới lên ba tuổi thì mồ côi cha, nhà rất nghèo, ở với mẹ trong túp nhà tranh ở thôn Cổ Bi dưới chân núi Băng Sơn. Phụng Hiểu có vóc sức khoẻ mạnh, hơn sáu tuổi đã làm được mọi việc giúp mẹ. Hơn mười tuổi đã cày thuê cuốc mướn, làm được mọi việc nặng nhọc. Lúc này sức mẹ cũng đã yếu, hàng ngày Phụng Hiểu vào rừng hái củi để bán lấy tiền nuôi mẹ. Lại tự vào rừng chặt tre, đẵn gỗ, mang về dựng lại nhà, mở rộng vườn trồng trọt, khai phá đất đồi làm thêm thóc gạo.


Một hôm, Phụng Hiểu đang cùng dân làng khai khẩn đất, thì người bên làng Đàm Xá kéo sang tranh giành.
Phụng Hiểu nói:
– Có văn bản nào nói đất này thuộc về Đàm Xá đâu? Lâu nay làng tôi cư trú, cày cấy có thấy ai hỏi han gì đâu?
Người làng Đàm Xá cãi bừa và cầm gậy gộc gây ẩu đả. Dân làng Cổ Bi yếu thế phải lui dần, một mình Phụng Hiểu nhổ đứt một cây lớn, cầm vút lia lịa, mấy chục người Đàm xá sợ quá, bỏ chạy về, không dám tranh giành nữa.


Tiếng đồn Phụng Hiểu khoẻ như voi lan khắp Ái Châu. Có anh Trần Tuấn là võ sĩ ở huyện Đông Sơn muốn đọ sức. Một hôm Trần Tuấn tìm đến nhà, mẹ Phụng Hiểu lưu lại mời ăn cơm chờ Phụng Hiểu đi rừng về.
Tuấn đang ăn thì bà mẹ nói:
– Con tôi đã về đấy.
Tuấn nhìn ra sân, nhác thấy một thân hình cao lớn chưa từng thấy và một gánh củi to khủng khiếp, sợ quá nên lén trốn biệt.

 

Bấy giờ có giặc cướp rình rập ở ngoài biển Đồ Sơn, chúng có khoảng gần trăm chiếc tàu ô. Lại có quân Chiêm Thành cướp phá vùng Nghệ An, Thanh Hoá, quân triều đình không cản nổi, chúng thừa thắng kéo ra quấy phá Thăng Long. Lý Thái Tông, Lý Công Uẩn truyền hịch khắp nước tìm trai trẻ sung quân để phá giặc. Các đại thần Ái Châu tiến cử Lê Phụng Hiểu.
Phụng Hiểu chuẩn bị đầy đủ lương thực cho mẹ, nhờ dân làng chăm sóc mẹ trong thời gian ông vắng nhà, rồi ra kinh đô yết kiến vua. Vua Lý đã nghe tiếng đồn, nay lại thấy cái uy phong lẫm liệt của Phụng Hiểu, liền phong làm đại tướng, cho nhận quân và khẩn cấp tập trận để dẹp ngoại xâm, phá hải tặc tàu ô. Phụng Hiểu xin vua cho ông ra quân trận đầu, hai bên cầm cự nhau mãi, rồi cũng phải rút lui. Nhưng qua đó ông đã rút ra được kinh nghiệm và biết được chỗ mạnh, chỗ yếu của giặc và có kế sách phù hợp để chỉ huy đánh thắng được quân giặc. Vua và triều đình vui mừng, mở tiệc khao quân. Dân cả nước đều biết công lao Lê Phụng Hiểu.


Vua Lý vời Phụng Hiểu vào điện, ban khen:
– Trẫm phong cho khanh chức Đô thống Thượng tướng quân, tước hầu, cho tiền xây nhà cửa ở kinh thành, cho ruộng thực ấp để hưởng quan lộc.
Phụng Hiểu cúi đầu tạ ơn vua và từ chối tất cả. Vua ngạc nhiên hỏi:
– Công dẹp giặc của khanh rất to lớn, khanh chê ít hay sao mà từ chối?
Phụng Hiểu chân thành tâu:
– Thần ở chốn rú bụi, hầu hạ mẹ già đã quen, không quen ở nơi đô hội ồn ào. Bệ hạ cho nhiều ruộng đất, thần chỉ có hai mẹ con không cày bừa nổi. Thần cũng không quen sống ở kinh đô, chỉ cần làm một toà nhà gỗ trên núi Băng Sơn sống với mẹ là đủ rồi. Nếu bệ hạ đoái thương cảnh nghèo thì cho thần đứng trên ngọn Băng Sơn, phóng con dao ra đến đâu, xin cấp cho ruộng đất đến chỗ đó là đã mãn nguyện.
Các đình thần lấy làm ngạc nhiên, vua Lý cảm động nói:
– Trẫm sẽ ban thưởng cho khanh theo ý muốn
Rồi vua sai Bộ hộ mang tặng phẩm và tấm biển “Tiết Hạnh Khả Phong” vào Ái Châu tặng cho bà mẹ, cùng quan địa phương tổ chức lễ phong đất thác đao (tự nguyện đứng trên núi ném đao) cho đại tướng Lê Phụng Hiểu.
Xong việc cấp đất, Phụng Hiểu bái tiễn các đại thần về triều. Dân làng kéo đến chúc mừng, ông cảm tạ mọi người đã chăm lo cho mẹ già khi ông đi vắng. Ai cũng khen Lê Phụng Hiểu là người chất phác, giản dị, sống có tâm đức, tận hiếu với mẹ, tận trung với nước. Đó là tấm gương trong sáng truyền đến đời sau.
Sau này, khi ông mất dân làng lập đền thờ ông dưới chân núi Băng Sơn, tục gọi đền ông Bưng hoặc nghè đức Thánh Tến. Năm Minh Mạng thứ IV (1823) ông được thờ vào miếu Lịch đại đế vương (miếu thờ các vị đế vương tiêu biểu qua các triều đại).

Lời bàn:


Lê Phụng Hiểu được nhân dân ca ngợi là vị tướng có đầy đủ tam đức Nhân-Trí-Dũng. Đối với mẹ già, ông là người con tận hiếu. Đối với triều đình, ông đã góp nhiều công lớn trong việc dẹp loạn và đánh tan giặc dã, bởi vậy nên tận trung. Đây cũng là cái gốc của lòng Nhân. Đối với kẻ thù, những khi xông pha trận mạc thì đánh đâu thắng đó, biết người biết ta, tiến thoái tài tình, uy danh lừng lẫy. Đó là Trí và Dũng.
Cổ nhân có câu: “Người nhân không lo buồn, người trí không nghi ngại, người dũng không sợ hãi”.
Dực Tông Anh Hoàng đế tức Vua Tự Đức đã viết bài ca Trịch đạo (ném đao) ca ngợi tài trí tuyệt vời, công đức hiếm có của Lê Phụng Hiểu như sau:
“ Một kiếm lại một đao
Nghìn thu công nghiệp cao
Một đao lại một kiếm
Nghìn thu công nghiệp hiếm”.