Chữ “NGHĨA” và những tấm gương đức hạnh Việt Nam
Chữ “Nghĩa” có hàm ý rất rộng, bao trùm tất cả trong luân thường đạo lý làm người. Trong “nghĩa” có “nhân”, gọi là người “nhân nghĩa”, trong “nghĩa” có “tín” gọi là “tín nghĩa”, trong “nghĩa” có “lễ” thì gọi là “lễ nghĩa”… “Nghĩa” có trong các mối quan hệ giữa người với người như nghĩa cha con, nghĩa thầy trò, nghĩa chồng vợ, nghĩa anh em cốt nhục, nghĩa đồng bào đồng chí, nghĩa bằng hữu chi giao… Thế nên, một người sống trong trời đất thì nguyên tắc quan trọng nhất phải tuân thủ là nhất định phải y theo đạo nghĩa mà làm. Nếu như mọi sự, mọi việc đều có “nghĩa” thì mới đủ tư cách làm người cao trọng. Đức “nghĩa” là một phạm trù đạo đức quan trọng trong nền giáo dục xưa, là một yếu tố cấu thành “ngũ thường”. Mạnh Tử coi “nghĩa” là con đường to lớn hơn hết trong thiên hạ mà người quân tử, bậc đại trượng phu phải đi theo. Khổng Tử đánh giá rất cao đức “nghĩa” và chủ trương “Quân tử lấy nghĩa làm trên hết. Quân tử có dũng mà không có nghĩa thì làm loạn”. Ngài kêu gọi: “Người quân tử đối với mọi việc trong thiên hạ, không quy định phải làm như thế nào, cũng không quy định không được làm như thế nào, chỉ xét hợp nghĩa thì làm”.
Người xưa không đưa ra một định nghĩa kinh điển nào về “nghĩa”. Tùy từng hoàn cảnh, đối tượng mà việc giảng giải về “nghĩa” khác nhau. Tựu trung lại, có thể nói, phạm trù “nghĩa” bao gồm những điều cao thượng, chính trực, tốt đẹp và phù hợp với Nhân và Lễ. Làm điều “nghĩa” là để thi hành đạo nhân và giữ gìn lễ tiết. Bởi vậy, “nghĩa” được coi là cái gốc của mọi sự việc, còn người quân tử thì bao giờ cũng phải lấy “nghĩa” làm cái cốt yếu, cơ sở cho mọi suy nghĩ và hành động. “Hy sinh mình để thành nhân, xả thân vì đại nghĩa”, có thể lúc nào cũng vì nhân dân, vì quốc gia, mỗi ngày tận tâm tận lực làm tròn bổn phận và nghĩa vụ của mình thì mới có thể sống thanh thản và không hổ thẹn với chính lương tâm của mình. Hy sinh vì chính nghĩa, xả thân vì nghĩa lớn. Chủ tâm của bậc Thánh Hiền chính là đạo nghĩa hơn cả mạng sống.
Đối lập với “nghĩa” là “bất nghĩa”. Cái tâm “bất nghĩa”, vô ơn thường vì vụ lợi, vì “lợi” mà ra. “Lợi” thường gắn liền với tư dục, tham vọng… của con người. Cổ nhân cho rằng chỉ có kẻ tiểu nhân mới tham lợi, vì lợi mà quên cả nhân nghĩa. Đức Khổng Tử so sánh: “Quân tử nghĩ đến đức, tiểu nhân nghĩ đến chỗ ở; quân tử quan tâm đến phép tắc, tiểu nhân quan tâm đến ân huệ”. Do trọng nghĩa, khinh lợi, làm việc thì công minh, chính trực, không tư vị nên người quân tử lúc nào cũng khiêm nhường, không kiêu ngạo, tâm trạng luôn thư thái và có thể hòa mình được với mọi người. Họ không mưu cầu danh lợi cho riêng mình nên cũng không bon chen, cầu cạnh, đấu đá, tranh giành. Trong phép xử thế, họ luôn giữ đạo “Hành – Tàng”, nước có đạo thì ra làm quan, nước không có đạo thì về ở ẩn. Bởi vậy, “Quân tử thì thản nhiên thư thái; thư thái mà không kiêu căng; hoà hợp chứ không hùa theo”. Ngược lại, kẻ tiểu nhân vì tham lợi mà làm càn, ích kỷ hại nhân, kéo bè kéo đảng để thực hiện tham vọng của mình, nên tâm trạng luôn căng thẳng, không thoải mái. Kẻ tiểu nhân khi đắc chí thì kiêu căng, cao ngạo, khi thất thế thì lo sợ, tìm đủ mọi cách để dung thân. Vì vậy, tiểu nhân thì kiêu căng mà không thư thái, thường hay lo lắng, ưu sầu. Tấm lòng của người quân tử luôn chứa chan đạo nghĩa.
Người hiếu học thấy người hiền thì học theo cách dụng tâm nhân nghĩa của họ, lợi người thì sẽ lợi mình, hại người nhất định sẽ hại chính mình. Người nhân nghĩa thà chết chứ không bằng lòng làm trái đạo nghĩa. Chỉ khi học được những đạo lý và thái độ làm người này của Thánh Hiền thì mới được gọi là sống cuộc đời chân tình, chân nghĩa, chân trí tuệ. Cho nên, người biết lấy nhân nghĩa, lấy lời dạy của Thánh Hiền để học tập thì nhất định sẽ khiến cho đức hạnh mỗi ngày không ngừng nâng cao.
Là người Việt, chúng ta hãy lật từng trang sử để càng thêm yêu đất nước và con người Việt Nam. Dân tộc ta có rất nhiều gương nhân nghĩa. Đó đều là những tấm gương sáng để con cháu ngàn đời kế thừa và tiếp nối.
Kính mời Quý vị cùng đọc chương NGHĨA của cuốn sách “NHỮNG TẤM GƯƠNG ĐỨC HẠNH VIỆT NAM”!
06.Những tấm gương đức hạnh Việt Nam (NGHĨA)