Chữ HIẾU và những tấm gương đức hạnh Việt Nam
Cây có cội, nước có nguồn, làm con phải nhớ ân đức sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đó là một mỹ đức, là truyền thống văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.
Khi nói đến chữ Hiếu, chúng ta liền nghĩ ngay đến việc thờ cha, kính mẹ, như bài ca dao vỡ lòng mà ai ai cũng thuộc:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ “Hiếu” mới là đạo con”
hoặc như trong “Quốc văn giáo khoa thư” ngày trước có ghi:
Cha sinh mẹ dưỡng,
Đức cù lao lấy lượng nào đong.
Thờ cha mẹ ở hết lòng,
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường”.
Cha mẹ nuôi con công lao khó nhọc, kể sao cho xiết. Công ơn, ân đức của cha mẹ đối với chúng ta cao hơn núi, sâu hơn biển, không thể nào đong đếm được.
Trong “Kinh i” có câu rằng: “Thương thương cha mẹ sinh ta khó nhọc. Cha sinh ta, mẹ nâng đỡ ta, vuốt ve ta, cho ta bú, nuôi ta lớn lên, dạy dỗ ta, đoái tưởng đến ta, săn sóc dạy dỗ ta, che chở ta.Muốn báo ơn sâu như trời cao lồng lộng, sâu thẳm vô cùng”.
Công ơn cha mẹ lớn lao là vậy, phận làm con nếu như luôn nghĩ đến thâm ân cha mẹ, luôn nghĩ nhờ có ân đức của Tổ Tiên thì mới có ta ngày hôm nay, vậy thì trong lòng sẽ trở nên nhu nhuyến, nồng hậu. Có lẽ trong tất cả những điều con người có thể nghĩ tưởng, thì nghĩ về cha mẹ là điều tuyệt vời nhất.
“Nghĩ về mẹ, trời luôn tươi sắc nắng
Hoa trong vườn không gió cũng xôn xao”.
Người xưa nói: “Tri ân, báo ân”, đó chính là khi đã biết ơn cha mẹ thì phải báo ơn cha mẹ. Vậy việc thờ cha kính mẹ như thế nào mới trọn đạo làm con? Về việc phụng sự cha mẹ của người con hiếu, Thầy Mạnh Tử dạy là: “Cư xử phải hết lòng kính trọng, dưỡng nuôi phải hết lòng vui vẻ, làm đẹp lòng cha mẹ, bệnh đau phải tận tâm lo lắng, tang ma phải hết sức xót thương, tế lễ phải nghiêm trang rất mực”. Thực hành hiếu thảo cha mẹ chính là làmtròn bổn phận làm con, mà cũng là trọn đạo làm người.
Lòng Hiếu thảo của những người con không những được thể hiện qua phương diện chăm sóc lo lắng cho cha mẹ về vật chất mà còn phải tâm tâm niệm niệm lắng nghe được những trăn trở những nhu cầu về tinh thần của cha mẹ.
Về phương diện vật chất, tùy điều kiện, hoàn cảnh mà nuôi dưỡng, chăm lo săn sóc cho cha mẹ như cơm nước, áo quần, thuốc men… Về phương diện tinh thần, luôn tỏ lòng kính yêu cha mẹ,sống tốt, biết lo cho bản thân và gi a đình, trở thành người hữu ích cho xã hội để cha mẹ yên tâm và tự hào, không làm cho cha mẹ buồn lòng, không làm cho cha mẹ tủi hổ vì những việc sai trái, tội lỗi. Đó là Hiếu khi cha mẹ còn sống. Sau khi cha mẹ qua đời, lòng hiếu thảo được thể hiện quaviệc phụng thờ và tưởng nhớ. Tấm lòng người xưa đối với ông bà cha mẹ đã khuất thể hiện qua câu “kính như tại”, có nghĩa là kính như đang còn sống. Phụng thờ để tưởng nhớ và nhắc nhở nhau công đức, ân nghĩa sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ. Hàng năm cúng giỗ để tưởng nhớ và để bày tỏ lòng biết ơn.
Hơn nữa, người con chí hiếu còn phải biết dưỡng chí cho cha mẹ. Bản thân thực hành hiếu đạo theo lời dạy của ánh Hiền, nếu cha mẹ còn sống thì phải biết hướng cha mẹ tu thân, hành thiện, hướng tới những điều thiện lành, xây dựng hạnh phúc cho đời này và đời sau. Nếu cha mẹ đã khuất thì phải lập thân hành đạo, dương danh cho hậu thế, làm rạng danh cha mẹ, đó chính là tận cùng của chữ Hiếu vậy.
Lòng Hiếu thảo chẳng những có ý nghĩa về mặt văn hóa, đạo đức mà còn có tác dụng giáo dục. Người xưa nói: “Người hiếu thuận lại sinh con hiếu thuận, người ngỗ nghịch lại sinh con ngỗ nghịch. Nếu không tin thì hãy xem nước mái nhà nhỏ xuống, giọt giọt không sai lệch”. Cho nên, người biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ của mình sẽ là tấm gương sáng cho con cháu noi theo, đó là bài dạy
hiếu đạo không lời, là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” quý báu.
Là người Việt, chúng ta hãy lật từng trang sử để càng thêm yêu đất nước và con người Việt Nam. Dân tộc ta có rất nhiều gương hiếu thảo, đó đều là những tấm gương sáng để con cháu ngàn đời kế thừa và tiếp nối.
Kính mời Quý vị cùng đọc chương HIẾU của cuốn sách “NHỮNG TẤM GƯƠNG ĐỨC HẠNH VIỆT NAM”!
01.Những tấm gương đức hạnh Việt Nam (HIẾU)