Chữ ĐỄ và những tấm gương đức hạnh Việt Nam

Chữ ĐỄ và những tấm gương đức hạnh Việt Nam

Người xưa nói:

“Chữ Đễ nghĩa là nhường
Nhường anh nhường chị, lại nhường người trên”

Trong mối quan hệ giữa người với người thì quan trọng nhất chính là “Hiếu” và “Đễ”. Trong “Hiếu” có “Đễ”, trong “Đễ” tất cũng có “Hiếu”. Chữ “Đễ” được khởi nguồn từ mối quan hệ anh emtrong một gia đình, đây chính là nền tảng quan trọng nhất để hình thành “Đễ”.

“Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy”.

Từ xưa đến nay, muốn giáo dục một gia đình hay để xây dựng một quốc gia đều phải lấy Hiếu Đễ làm gốc. Đức Khổng Tử nhấn mạnh: “Hiếu và Đễ là gốc của Nhân”. Do vậy mới nói: “Một nhà có lòng nhân thì một nước có lòng nhân. Một nhà biết lễ nhường thì một nước biết lễ nhường”. Có thể nói, “Hiếu” và “Đễ” chính là hai chiếc “chìa khóa” để mở cánh cửa tâm hồn, cánh cửa học vấn của mỗi người. Một người nếu không có “Hiếu Đễ”, thì cũng giống như trong nhà chứa rất nhiều kim ngân tài bảo, nhưng bởi vì không có chìa khóa nên phải chịu cảnh đói khát cơ hàn. Vì vậy, người chỉ cần làm được “Hiếu” và “Đễ” thì tin tưởng rằng họ có thể xây dựng một gia đình hòa thuận hạnh phúc, là chuẩn mực tốt cho xã hội và có thể giúp ích cho tất cả mọi người trong thiên hạ.

Chúng ta đều biết chữ “Đễ” nghĩa là nhường. Tuy nhiên trong “Đễ” còn bao gồm một thái độ rất quan trọng, đó là sự cung kính, cung kính với người, với vật, với việc, ta vẫn hay gọi chung là “kính trên nhường dưới”. Đây chính là cái căn bản để hình thành những đức tính tốt đẹp như: Thiện lương, chuyên cần, khoan dung, thành thực, khiêm nhường, chính trực, thủ tín, lạc quan, nhân hậu…. Do vậy, “Đễ” cũng là hồn cốt của một bậc hiền nhân quân tử.

Người xưa nói: “Hiếu kính truyền gia, hậu đức tải vật”. Truyền gia quan trọng nhất là Hiếu Đễ, “Hậu đức tải vật” chính là dùng đức dày để nâng đỡ và bao dung vạn vật. Phúc phận của một người cũng từ tâm hiếu kính này mà không ngừng tăng trưởng. Người muốn tuân theo lời dạy của Thánh Hiền thì phải học cho được tâm nhân từ. Mà tâm nhân từ của một người phải bắt đầu từ hiếu đạo
và tinh thần của “Đễ” trong việc anh em thương yêu nhau. Cho nên truyền gia thì nhất định phải truyền “Hiếu” và “Đễ”.

Chữ “Đễ” không chỉ dừng lại ở việc nhường nhịn trong lời ăn tiếng nói, trong hành động việc làm hay nhường ruộng vườn tài sản. Khi tâm một người thuần hậu thì ngay cả giang sơn xã tắc, thậm chí là cả tính mạng, họ cũng sẵn lòng dâng hiến. Cho nên, khi nói đến nền văn hiến ngàn năm của dân tộc, không thể không nhắc đến các bậc anh hùng hào kiệt, như Lê Lai liều mình cứu Chúa, hay Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bỏ thù riêng lo việc nước… và còn rất nhiều những hy sinh vì nghĩa lớn của những đồng bào đất Việt. Họ đã thực hành chữ “Đễ” một cách trọn vẹn, giữ đạo làm người, lưu lại tiếng thơm muôn thuở.

Thế mới biết, người chân thật có “Đễ” thì nơi nơi đều là nhường nhịn, chốn chốn đều là cung kính, yêu thương. Là người Việt, chúng ta hãy lật từng trang sử để càng thêm yêu đất nước và con người Việt Nam. Dân tộc ta có rất nhiều gương “Hiếu Đễ”, đó đều là những tấm gương sáng để con cháu ngàn đời kế thừa và tiếp nối.

Kính mời Quý vị cùng đọc chương ĐỄ của cuốn sách “NHỮNG TẤM GƯƠNG ĐỨC HẠNH VIỆT NAM”!

02.Những tấm gương đức hạnh Việt Nam (ĐỄ)