Ý nghĩa ngày Tết cổ truyền Việt Nam
Tết cổ truyền mang giá trị nhân văn to lớn
Theo nghĩa Hán – Việt, Nguyên đán (Nguyên – cái đầu tiên, khởi đầu; đán là ánh mặt trời mới mọc) có nghĩa là ngày đầu tiên nhìn thấy mặt trời mọc hay còn gọi là buổi rạng đông của sự khởi đầu. Ngày đầu của một năm có ý nghĩa linh thiêng, đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp với những khát vọng, mong ước của con người về năm mới dồi dào sức khoẻ, vạn sự bình an.
Không chỉ vậy, Tết còn là biểu tượng mang ý nghĩa linh thiêng trong tâm thức mỗi người. Mỗi dịp Tết đến xuân về, ở khắp mọi nơi luôn trào dâng những cảm xúc bâng khuâng, niềm nhớ gia đình, quê hương, nơi có Ông Bà, Cha Mẹ người thân cũng đang chờ đợi giây phút được gặp lại những người con xa quê trở về.
Tết cũng là dịp để mỗi người thắt chặt tình thân, tình bè bạn; được tri ân Tổ tiên, Ông Bà, Cha Mẹ. Tri ân, cảm ơn như tiếp thêm năng lượng để chúng ta cống hiến và yêu hơn quê hương, Tổ quốc mình.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa ngày Tết cổ truyền
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ quan điểm “văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.
Trong những thập kỷ gần đây, bối cảnh xã hội, thời đại có những chuyển biến nhanh với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, internet, mạng xã hội, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã tác động lớn đến suy nghĩ, lối sống của nhiều người.
Bối cảnh mới, nếp nghĩ mới của không ít người cũng đã và đang tác động trái chiều đến Tết cổ truyền. Với nhiều bạn trẻ hiện nay, Tết đến họ không có xu hướng trở về nhà quây quần với Gia đình mà dành nhiều thời gian cho việc “ăn Tết”, “chơi Tết”, “thưởng Tết” và du xuân.
Tết là ngày trở về. Vì vậy hãy cùng chúng tôi đón những ngày Tết thật ý nghĩa.