TỌA ĐÀM “KỸ NĂNG GIAO TIẾP KINH DOANH TRONG LOGISTICS- TRUYỀN CẢM HỨNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CHO SINH VIÊN

TỌA ĐÀM “KỸ NĂNG GIAO TIẾP KINH DOANH TRONG LOGISTICS- TRUYỀN CẢM HỨNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CHO SINH VIÊN

Ngày 13/5/2025, nhận lời mời từ Ban Giám hiệu Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, thầy giáo, tiến sĩ Phan Trung Phương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Trưởng Ban điều hành Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức – đã tham gia buổi tọa đàm với chủ đề “Kỹ năng Giao tiếp Kinh doanh trong Logistics”. Chương trình có sự tham dự của 300 sinh viên, các khách mời, đại diện tổ chức Đoàn Thanh niên và lãnh đạo nhà trường.

Tại buổi tọa đàm, những chia sẻ của thầy Phan Trung Phương rất gần gũi và thực tiễn, giúp sinh viên có cái nhìn khách quan, thận trọng và đúng đắn trước khi bước vào thị trường lao động. Thầy nhấn mạnh rằng để thành công, sinh viên cần tích lũy kiến thức, chuẩn bị hành trang kỹ lưỡng, hiểu rõ ngành nghề nhằm tiết kiệm thời gian thích nghi và nâng cao hiệu quả công việc. Trong phần định hướng nghề nghiệp, thầy đưa ra ba nguyên tắc chọn nghề: Thứ nhất là “Làm điều mình yêu thích nhất”, thứ hai là “Chọn đúng sở trường của bản thân”, và thứ ba là “Hướng tới nghề nghiệp mang lại lợi ích cho xã hội”. Thầy khẳng định: “Không nên chọn những nghề chỉ có lợi cho bản thân mà đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng.”

Chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân, thầy Phan Trung Phương cho biết rằng khi bước vào một môi trường mới, còn nhiều bỡ ngỡ, sinh viên cần nỗ lực phấn đấu trong công việc và quyết tâm vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Thầy khuyên các bạn trẻ hãy lập chí lớn với tầm nhìn tổng thể, và khi bắt tay vào công việc, nên bắt đầu từ những việc nhỏ. Khi đã đạt được những thành công bước đầu, cần giữ vững chí lớn và tiếp tục chinh phục các mục tiêu tiếp theo.

Không chỉ dừng lại ở kỹ năng chuyên môn, thầy còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đạo đức trong công việc. Thầy chỉ dẫn sinh viên rằng bí quyết của thành công là luôn biết tận dụng mọi cơ hội học hỏi và sẵn sàng tiếp cận khi có đủ điều kiện, trên nền tảng của tấm lòng chân thành. “Khi các bạn chân thành, các bạn chắc chắn sẽ có. Chỉ cần người học trò có tâm cầu học, thì người thầy sẽ xuất hiện” – thầy kết luận với một thông điệp đầy ý nghĩa, để lại nhiều suy ngẫm và cảm hứng cho sinh viên.

Buổi tọa đàm khép lại trong không khí sôi nổi và tràn đầy cảm hứng. Những chia sẻ tâm huyết từ thầy Phan Trung Phương không chỉ cung cấp kiến thức thực tiễn mà còn thắp lên tinh thần cầu tiến, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cho thế hệ sinh viên – những người trẻ đang trên hành trình chinh phục tương lai. Hy vọng rằng sau buổi tọa đàm, các bạn sinh viên sẽ vững vàng hơn trên con đường học tập và phát triển nghề nghiệp, sẵn sàng đóng góp tích cực cho xã hội và cộng đồng.

Dù là một hệ thống giáo dục mầm non, Khai Minh Đức không chỉ chú trọng nuôi dưỡng những “mầm xanh” từ thuở ban đầu, mà còn âm thầm lan tỏa các giá trị cốt lõi về lập chí sống, đạo đức trong kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp và đạo đức làm người đến nhiều cấp học và môi trường khác nhau. Đã có nhiều người từng đặt câu hỏi: “Tại sao Khai Minh Đức làm giáo dục mầm non nhưng lại lan tỏa giáo dục tại nhiều đơn vị khác như vậy?” Điều đặc biệt là, những lần chia sẻ đều diễn ra một cách âm thầm: tự đến, tự đi, không thu phí, không nhận bất kỳ khoản tiền nào, thậm chí còn mang quà đến tặng các đơn vị bạn.

Những chương trình chia sẻ, đối thoại, tọa đàm do Khai Minh Đức phối hợp tổ chức tại các trường đại học, tiểu học, THCS, THPT và các tổ chức doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đã khẳng định một tầm nhìn xuyên suốt: “Giáo dục không chỉ là dạy kiến thức mà là hành trình học tập, sửa mình và trở thành người tử tế.” Với Khai Minh Đức, sứ mệnh làm giáo dục chính là học tập không ngừng để hoàn thiện bản thân, trở thành người gương mẫu, sống tử tế và có trách nhiệm. Và dù ở bất kỳ môi trường nào – từ giảng đường đại học, hội trường cơ quan cho đến lớp học mẫu giáo – con người đều cần được giáo dục, được khơi dậy tinh thần lập chí và giữ gìn đạo đức như một nền tảng để phát triển bền vững.

Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức tin rằng: “Một xã hội hưng thịnh bắt đầu từ những con người có nội lực, được nuôi dưỡng bằng sự biết ơn, lòng trung thực và lý tưởng sống chân chính”