Văn hóa cúi chào
Từ xưa đến nay, ông cha ta rất coi trọng lễ nghĩa chào hỏi, “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Cúi chào là một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Người xưa cũng có câu: “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”.
Người càng có năng lực thì càng khiêm hạ, người càng có đức hạnh thì càng khiêm tốn, tựa như những bông lúa khi được mùa vậy. Khi bị sâu bệnh, hạt lép, những bông lúa vươn cao ngẩng đầu đầy kiêu hãnh. Nhưng khi được mùa, trĩu bông, hạt đã đầy và chắc, những cây lúa bắt đầu khiêm nhường cúi đầu xuống. Trong đời, càng là người học rộng, tài cao thì càng thấu được đạo lý khiêm tốn, hiểu được rằng làm người phải học cách cúi đầu.
Cúi chào là một nét đẹp văn hóa mà Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức lựa chọn áp dụng nhằm xây dựng trường học hạnh phúc, giúp các thành viên luôn nhắc nhở bản thân về sự tôn trọng người khác, khiêm nhường học tập, hoàn thiện chính mình để làm gương cho con trẻ noi theo. Cúi chào giúp chúng ta rèn tâm khiêm tốn của bản thân, thể hiện sự tôn trọng mọi người, từ đó giúp các mối quan hệ trong xã hội ngày càng phát triển tốt đẹp.
Để giáo dục đạo đức cho trẻ mầm non, giúp các con có tâm biết ơn, có lòng kính trọng và biết nghe lời ông bà, cha mẹ và thầy cô giáo, các thầy cô Khai Minh Đức luôn nhắc nhở các con khoanh tay cúi chào tất cả mọi người với tâm cung kính và xây dựng thói quen chủ động chào mọi người mỗi khi gặp mặt chứ không phải là khi người lớn nhắc nhở thì con mới chào một cách miễn cưỡng.
Một đứa trẻ nếu như từ nhỏ vô cùng có lễ phép thì cuộc đời của đứa trẻ ấy sẽ có được rất nhiều sự trợ giúp và sức mạnh giúp đỡ. Ngược lại, nếu như đứa trẻ không được học lễ phép từ nhỏ thì cuộc đời của đứa trẻ sau này không chỉ không tăng thêm sự trợ giúp, mà còn tăng thêm rất nhiều trở lực và chướng ngại.
Tại Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các con cùng nhau thực hành rèn luyện việc cúi đầu cung kính chào nhau hàng ngày. Tùy theo các tình huống khác nhau mà các con được thầy cô hướng dẫn thực hành chào hỏi một cách linh hoạt. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể linh hoạt cúi nhẹ khoảng 15 độ, 30 độ hoặc 45 độ để chào nhau. Khi gặp nhiều người, chúng ta chào theo thứ tự “người lớn trước, người nhỏ sau”, chào ông bà trước, sau đó chào cha mẹ, anh chị…
Điều quan trọng không phải ở chỗ chúng ta cúi sâu bao nhiêu mà điều quan trọng là chúng ta chào nhau bằng sự tôn trọng, bằng ánh mắt thân thương và trao tặng nhau nụ cười thân thiện. Chúng ta hãy cùng nhau lan tỏa văn hóa cúi chào để chung tay xây dựng một thế giới văn minh, tươi đẹp và tràn đầy tình yêu thương.
CÁC TRƯỜNG KHU VỰC MIỀN TRUNG
Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức
Tự tin – Tình yêu – Trách nhiệm