Làm văn hóa dễ hay khó?
Tôi được mời tham dự sự kiện tri ân nhà giáo của Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức vào Chủ nhật ngày 10/11/2024. Lần trước, tôi đã “ồ à” khi được xem trên FB chương trình tri ân được Hệ thống Khai Minh Đức tổ chức năm 2023. Lần này, tôi được xem chương trình trực tiếp ở sân khấu lớn với ánh sáng âm thanh, với những điều kiện Ban Tổ chức quy định nhắc nhở để mỗi người xem có thể có được những trải nghiệm tinh thần tốt nhất.
Đây là một chương trình truyền thống mà lâu lắm rồi tôi mới có cơ hội được xem, mà ngày xưa, cứ ngỡ là chỉ ở trên tivi, trên TW mới có thể đồ sộ hoành tráng và tạo nên những cung bậc cảm xúc như vậy.
Tôi khóc ngon ngọt đến mấy lần vì xúc động. Lần đầu là chào cờ hát quốc ca. Lần gần nhất tôi chào cờ hát quốc ca mà cảm thấy rưng rưng là lần được chào cờ cùng lớp của con ở trường Maya, cũng cách đây cả 6 năm. Tất cả hội trường trang nghiêm hát hùng hồn, em bé và cô bên cạnh tôi hát rõ lắm. Tôi vừa hát mà trái tim vừa thổn thức.
Một lát nữa, có thầy lên kể chuyện, khi thầy cùng Hệ thống Khai Minh Đức tổ chức trại hè ở vùng cao Yên Bái, cả trường đang hát Quốc ca thì đúng lúc cơn mưa ập đến nhưng không ai có ý định chạy vào, vẫn ở đó nghiêm trang và hùng hồn vang lên câu hát. Tổ quốc vẫn là một điều gì đó thiêng liêng, tự dưng tôi nhớ đến bài “Việt Nam Ơi”, cũng lôi điện thoại ra search tác giả tác phẩm, và tìm kiếm những ngôn từ đồng cảm.
Sau đó là hoạt cảnh về Bác, vị Cha già kính yêu của dân tộc, vị Thầy lớn của biết bao thế hệ Việt Nam. Những bài hát, bài thơ được nghe trên ghế nhà trường ngày nào giờ ngân vang lên trong buổi lễ. Nghe đến bài “Dấu chân phía trước”, bài hát vốn vẫn lấy đi nước mắt của tôi mỗi khi giai điệu vang lên.
Có lẽ chỉ những ai hiểu được sự trói buộc, kìm kẹp của tâm trí, giam hãm nhận thức của con người như thế nào thì mới có thể cảm hết được công ơn Người đã khai đường mở lối cho “tôi có cả cuộc đời”, mới có thể đồng điệu với bài hát, đồng điệu với những ca từ của bài hát đến vậy, đặc biệt là với những người con chưa từng biết đến chiến tranh, chưa từng biết đến ngục tù.
Sân khấu hôm ấy cũng được gặp gỡ nhà giáo ưu tú Lý Thông Dung – người mang con chữ đến vùng cao và thầy giáo Nguyễn Võ Kì Anh – người mở trường dạy các cô làm giáo viên nuôi dạy trẻ đầu tiên tại Việt Nam, với ước mong mang đến những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ trẻ.
Họ là những con người cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. “Trái tim người thầy rộng lắm” – thầy Dung chia sẻ và ngay khi ấy, tôi cảm thấy tâm lượng của trái tim Thầy, một lần nữa trái tim tôi thổn thức.
Vì quá phấn khích, tôi nhắn tin chia sẻ tới những người bạn đặc biệt, người thì giúp tôi tìm tên của người đứng sau Ban Tổ chức, là thầy giáo Vọng Tây; Người thì cung cấp cho tôi thông tin về Khai Minh Đức – Hệ thống giáo dục mầm non ứng dụng văn hóa truyền thống. Thế là tôi search thầy Vọng Tây trên web.
Thầy Vọng Tây từ web lên sân khấu cũng không khác nhau là mấy. Thầy kể trong 2000 buổi họp/ học lớn nhỏ, thầy chưa từng đi muộn bất kì buổi nào, thầy mong muốn các anh chị em có chỗ để nương theo. Thầy bảo, phải lao động từ những thứ đơn giản nhất, lao động mới sinh ra đồng cảm, mới có biết ơn chân thật và chia sẻ chân thật.
Lúc ấy, tôi đã hiểu vì sao các buổi lễ của Hệ thống Khai Minh Đức lại có thể biểu đạt sự am hiểu về văn hoá truyền thống cũng như có sự đoàn kết đến vậy.
Và người cuối cùng lên sân khấu chia sẻ là thầy quản lí vận hành Hệ thống, thầy ấy gọi thầy Vọng Tây là Thầy. Thầy chia sẻ, nếu ko biết đến thầy Vọng Tây thì thầy sẽ còn chạy đua với cơm áo gạo tiền ngoài kia, và không biết khi nào có thể biết đến hạnh phúc đích thực.
Tôi ở đây, trong dòng chảy này, tôi thấy cả 3 thế hệ, những người Thầy với trái tim rộng lớn và những học trò tiếp bước noi theo, tận hiến với giáo dục và không ngừng khát vọng.
Tôi thấy hình ảnh những học trò cúi đầu, tri ân những người Thầy của mình. Tôi thấy truyền thống “tôn sư trọng đạo” được diễn ra một cách chân thật, như tấm gương cho những nhà giáo như chúng tôi được cảm nhận, được nhìn ra Tình Thầy Trò.
Đứng trước những cuộc đời, những tấm gương của các thầy, thầy Thông Dung, thầy Kì Anh, thầy Vọng Tây, chợt thấy những nỗ lực của mình còn thật nhỏ bé.
“Trái tim người Thầy rộng lắm” – Tôi sẽ nhớ mãi câu nói này, cũng như những cảm xúc còn đọng lại về buổi lễ tri ân theo cách truyền thống tuyệt vời này. Văn hóa Việt Nam thật đáng để tự hào!
Và tôi biết, mình cũng đang từng bước mở rộng trái tim người Thầy của mình!
Làm văn hóa dễ hay khó?
(Chia sẻ của chị Lương Hương Ly – Một vị khách tham dự sự kiện “Người Thầy trong tôi”)