Thầy giáo Triệu Văn Đẩu – Người học trò làm theo lời Bác

Thầy giáo Triệu Văn Đẩu – Người học trò làm theo lời Bác

Trong ngôi nhà sàn đơn sơ tại xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, Thầy giáo Triệu Văn Đẩu đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu. Cảm nhận trong lần đầu gặp mặt là giọng nói của thầy còn rất khoẻ, ánh mắt sáng, ở thầy toát lên sự chân thành, mộc mạc và liêm khiết. Nếu không được giới thiệu thì chúng tôi không thể biết người thầy vùng cao này đã ở tuổi 90.

Thầy cho chúng tôi xem tấm hình đen trắng của Bác đã được thầy giữ gìn cẩn thận trong mấy chục năm qua. Theo lời thầy kể lại, thầy đã nhiều lần được gặp Bác Hồ. Những lời dạy của Bác lúc đó đã in sâu trong tâm trí và đã trở thành kim chỉ nam trong cuộc sống và công việc của thầy sau này. Thầy nói: “Bác dặn chúng tôi làm người Thầy giáo phải gương mẫu, đã dạy thì phải học luôn và đã học thì phải đi đôi với làm, nói và làm phải đúng như nhau.

Thầy Triệu Văn Đẩu là tấm gương sáng trong học tập đạo đức và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu tiên là sự giản dị trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của thầy. Chúng tôi rất xúc động khi thấy hình ảnh thầy nhỏ bé, dung dị trong chiếc áo vét đã cũ với đôi dép tổ ong khi tham dự sự kiện “Hạnh Phúc Nghề Thầy” do Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức phối hợp tổ chức ngày 17/11/2024 tại trường Tiểu học Lâm Thượng. Hình ảnh thân thương ấy khiến chúng tôi nhớ đến Bác Hồ với câu chuyện về đôi dép cao su đi khắp muôn phương của Bác.

Thầy tâm sự: “Tôi bình thường vẫn thế thôi. Trong lối sống, Bác Hồ dạy thế nào thì tôi đều cố gắng phấn đấu! Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư! Tôi cứ theo thế.” Thầy kể rằng lần gặp Bác năm 1954, Bác giản dị lắm, chẳng quan cách chút nào: “Nhìn Bác mà cảm tưởng như chính Bố Mẹ của mình vậy!

Thầy đã học tập Bác không vì danh lợi mà làm việc, không vì khó khăn mà chùn bước. Khi Thầy đang làm Hiệu trưởng trường Bổ túc Văn hóa Cán bộ huyện thì thầy được mời sang làm Trưởng Ban Khoa giáo huyện Lục Yên. Thầy đã không nhận lời bởi Thầy thích dạy học mặc dù dạy học vất vả hơn. Trong thời gian công tác ở phòng giáo dục, Thầy được cơ quan cấp một chiếc xe đạp nhưng Thầy đã nhường cho cô văn thư nhận trước vì công việc của cô đi lại nhiều hơn. Còn mình, các công việc ở địa phương, thầy vẫn đi bộ, một thời gian lâu sau, thầy mới nhận được xe.

Kết thúc thời gian học tập tại Trường Sư phạm Miền núi Trung ương, Thầy trở về dạy tại xã Lâm Thượng. Lúc bấy giờ, do nhận thức và hoàn cảnh xã hội nên học sinh không chịu đi học. Cả xã Lâm Thượng năm 1957, chỉ có vài ba học sinh đến trường, hầu hết phụ nữ trong xã đều mù chữ. Làm thầy giáo ở thời kỳ chiến tranh, lại ở vùng dân tộc miền núi, để học sinh có thể tiếp cận được với học tập, đưa được con chữ về với bản làng thì người thầy giáo cần phải nỗ lực hết sức. Thầy Triệu Văn Đẩu đã không ngừng cố gắng, không chỉ rất thương yêu học trò mà đã hòa vào dân để giúp các em học sinh được đi học.

Thầy nói: “Thầy giáo vào lớp dạy phải vận động từng em, em nào bỏ học thì đến từng nhà, em nào không có sách, không có bút thì thầy mua cho. Tôi không phê bình, không nói nặng mà phải động viên, phải tạo điều kiện cho các em học.

Cứ mỗi lần được cử đến một ngôi trường nào đó, Thầy lại vào vai người thợ dựng lán bằng tre nứa thành lớp học, nhà ở. Cũng từ đôi bàn tay ấy, Thầy cũng là người nông dân trồng rau, nuôi gà. Thầy nói: “Tôi làm Hiệu Trưởng, tôi đánh trống cho giáo viên vào lớp xong thì đi mua sắn về cho học sinh ăn. Suất gạo của tôi, tôi dành tặng cho các thầy cô giáo nhà xa không về được phải ở lại trường, bản thân tôi thì đi bộ về nhà, xem có tý mỡ, ít gạo nào không thì mang lên”.

Nhớ lại lúc còn là học trò của Thầy Triệu Văn Đẩu, Nhà giáo Ưu tú Lý Thông Dung nói: “Học sinh ốm hay không đi học thì thầy Đẩu trèo đèo lội suối đến nhà động viên ông bà, bố mẹ. Các phụ huynh nể thầy mà đưa con đến trường cho thầy dạy. Chúng tôi như trong trứng mới ra, được thầy hướng dẫn rất tỉ mỉ. Hình ảnh thâm nhập vào tim rồi, nhớ sâu lắm!

Thầy giáo Lý Thông Dung kể rằng, Thầy Triệu Văn Đẩu chăm chút đến từng học sinh, không chỉ dạy kiến thức, Thầy còn khuyên học sinh phải sống có đạo đức, biết chào hỏi, không được nói những lời thô lỗ. “Hình ảnh của Thầy Triệu Đẩu trong tôi là điều gì Thầy cũng biết và mình cũng muốn biết như Thầy. Thầy ăn mặc chỉnh tề và đẹp đẽ. Thầy truyền cảm hứng để tôi phấn đấu đi làm thầy giáo.

Sau khi dạy lớp ghép giữa lớp 1 và 2, thầy tiếp tục được cử dạy bổ túc cho các cán bộ cấp huyện, cấp xã. Thầy kể rằng, lúc đó tôi đã chọn cách gọi “các đồng chí học sinh” cho phù hợp với hoàn cảnh. Nhiều học sinh của Thầy Triệu Đẩu sau này đều theo nghề giáo, làm Hiệu trưởng các trường hoặc giữ những chức vụ cao ở cấp tỉnh, địa phương và các ngành nghề khác.

Làm giáo viên ở miền núi vất vả là thế, lương lại thấp, có nhiều người đã bỏ nghề nhưng thầy Triệu Đẩu chưa từng nản chí. Với ý chí có đôi bàn tay làm nên tất cả, thầy đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ tới ngày được nhà nước cho nghỉ hưu.

Trong buổi lễ kỷ niệm 20-11 năm nay, thầy chia sẻ rất tự hào và hạnh phúc vì mình là một nhà giáo, nghề mà luôn được xã hội tôn kính, nhân dân tôn trọng. Điều khiến thầy vui nhất là được gặp lại học sinh và học sinh nhớ đến mình.

Chia sẻ về những năm tháng giảng dạy và làm quản lý, thầy khuyên các thầy cô giáo trẻ rằng: “Ngoài dạy về kiến thức, muốn học sinh tôn trọng, người thầy phải gương mẫu và cũng phải tôn trọng học sinh. Học sinh có khuyết điểm thì người thầy phải kiên trì giáo dục. Đừng đánh, mắng học sinh vì nếu như vậy thì mình và học trò cách xa nhau, khó giáo dục. Đối với giáo viên cũng phải thương yêu lẫn nhau. Ai giỏi thì mình khen thưởng, ai yếu kém thì mình động viên, không nên chê thì giáo viên mới phục, mới tôn trọng mình. Nhờ đó, mình lãnh đạo mới dễ dàng. Mình ra vẻ kỷ luật người ta thì người ta tiếp thu sẽ không thoải mái.

Thầy Triệu Văn Đẩu kính yêu Bác Hồ và nghe lời Bác, học tập Bác suốt cả cuộc đời. Thầy vẫn luôn thờ Bác trong một không gian riêng trang trọng, cứ hễ có món ngon là thầy đặt lên ban thờ để tưởng nhớ Bác. Trong lòng thầy, Bác như cha mẹ mình. Thầy nói: “Nhờ Bác Hồ mới có ngày nay. Chúng ta phải nhớ ơn Bác, phải truyền lại đời sau cho con cháu được biết. Tôi chỉ học Bác Hồ nhưng học cả đời cũng không hết được, đạo đức và tài năng của Bác Hồ mình cũng không hiểu hết được”. Nhưng có một điều thầy khẳng định là phải luôn hiếu với dân. Thầy nói: “Hiếu với dân nghĩa là phải luôn hiếu với dân, nghĩa là phải luôn làm việc tròn nhiệm vụ phục vụ nhân dân, những việc gì lợi ích cho nhân dân thì mình làm, không lợi ích cho nhân dân thì mình không làm.

Là thế hệ trẻ hiện đang làm công tác giáo dục, chúng tôi đã được truyền cảm hứng rất nhiều khi được gặp gỡ và trò chuyện cùng thầy giáo Triệu Văn Đẩu. Câu nói cuối cùng của Thầy trong buổi trò chuyện “Nếu được quay lại tuổi trẻ, tôi vẫn chọn làm giáo viên” khiến chúng tôi càng trân quý và thêm yêu nghề giáo mà mình đã chọn.

Thầy giáo Triệu Văn Đẩu – Người học trò làm theo lời Bác

z6055094459223_e36972a05fd67dae607ca047a54d139e
1
z6055094402680_9713aba8e52b94c229c3a872539873c3
4
z6055094501176_8b4e1aedba463a28c00452397fd984b2
3
z6055094564852_6c2545294b67d58b3c862ebedc0cf3c0
z6055094350388_799c10a112a5ab89c25f7d7ad694193b
2
5
z6055094628097_e30fee6110ae6e1201820b0f6bca9e24
z6055118183643_9d87640e3955147de4f097f7c82001dc
z6055168162804_e537089d33bf2ed8a62aebe7a22ca2d8
z6055284829216_39209d68f1ec2ab6ddcd2a465155463b
z6055110587682_1ce5483236870da0b693a7a6a7d1d70d
z6055111512630_da383c0fab480ab8bc8dd99b32a19d67
z6055316436796_05702e4f173cb3640b516b63087efb5a
z6055094756882_f1a3f7c20c181769e472fa239519b8bb
z6055094459223_e36972a05fd67dae607ca047a54d139e 1 z6055094402680_9713aba8e52b94c229c3a872539873c3 4 z6055094501176_8b4e1aedba463a28c00452397fd984b2 3 z6055094564852_6c2545294b67d58b3c862ebedc0cf3c0 z6055094350388_799c10a112a5ab89c25f7d7ad694193b 2 5 z6055094628097_e30fee6110ae6e1201820b0f6bca9e24 z6055118183643_9d87640e3955147de4f097f7c82001dc z6055168162804_e537089d33bf2ed8a62aebe7a22ca2d8 z6055284829216_39209d68f1ec2ab6ddcd2a465155463b z6055110587682_1ce5483236870da0b693a7a6a7d1d70d z6055111512630_da383c0fab480ab8bc8dd99b32a19d67 z6055316436796_05702e4f173cb3640b516b63087efb5a z6055094756882_f1a3f7c20c181769e472fa239519b8bb

Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức

Tự tin – Tình yêu – Trách nhiệm