Ý nghĩa của chữ “TÍN”

Ý nghĩa của chữ “TÍN”

Con người ta mỗi lúc lập ngôn đều có Trời biết, Người biết, Đất biết. Cho nên, “phàm nói ra, tín trước tiên”, lời nói của con người phải lấy chữ “Tín” làm đầu.
Sách “Ích Trí” viết rằng: “Vua tôi không tin nhau thì nước không yên; Cha con không tin nhau thì nhà không thuận; Anh em không tin nhau thì tình không thân thiết; Bạn bè không tin nhau thì giao du lơ là”.
Chữ “Tín” quan trọng vô cùng. Người xưa đã dạy: “Người mà không giữ chữ tín thì không biết điều gì nên hay không nên . Cũng giống như xe lớn mà không có ách, xe nhỏ mà không có gọng thì làm sao đi được”. Cổ nhân cũng nói rằng: “Nhân vô tín bất lập”, người không có chữ “Tín” thì không có chỗ đứng trong xã hội.

Ca dao cũng dạy:

“Nói lời phải giữ lấy lời
Đừng như con bướm, đậu rồi lại bay”.
***
“Nói chín thì phải làm mười
Nói mười làm chín, kẻ cười người chê”.


Đó đều là những lời nhắc nhở của ông cha ta, hy vọng con cháu đều biết giữ chữ “Tín” như giữ chính con ngươi trong mắt mình. Ngược lại, cũng không có một bậc hiền nhân quân tử nào lại là người thất tín cả. Cho nên mới nói: “Làm được mới nói là Thánh Nhân; Nói được làm được là hiền nhân; Nói được mà không làm được là lừa gạt người”. Vì vậy, nói ra phải giữ lời, phải luôn ghi nhớ trong lòng, phải thực hiện lời mình đã nói, đó là biết được giữ chữ “Tín”.

Chữ “Tín” của người xưa không chỉ chú trọng ở lời nói, mà ngay cả trong ý nghĩ họ cũng không muốn làm trái với lương tâm mình. Vì vậy, chữ “Tín” đã được nâng lên một bậc để trở thành tín nghĩa, đạo nghĩa, tình nghĩa, ân nghĩa… Đây chính là đạo làm người.
Trong mối quan hệ ngũ luân, “Tín” giữ vai trò bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ để các mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn.

CHỮ “TÍN” TRONG QUAN HỆ CHA CON

Chữ “Tín” trong mối quan hệ cha – con là rường mối quan trọng nhất. Việc hình thành nhân cách của một người có ảnh hưởng lớn nhất là từ gia đình. Nếu như trong nhà, cha mẹ không coi trọng lời nói, không làm tròn bổn phận thì sẽ khiến con cái trở thành đứa ngỗ nghịch khó bảo. Con cái không có được niềm tin trong lòng cha mẹ thì cũng sẽ trở thành những kẻ bất nhân. “Cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo”, gia đình phải như vậy thì gia phong mới được vững bền.

Chữ “Tín” trong quan hệ thầy – trò cũng vậy. Người xưa nói: “Một ngày làm thầy, cả đời là cha”. Đạo nghĩa thầy trò là điều độc đáo và thiêng liêng nhất. Tuy không phải là cha để nuôi nấng thân thể, nhưng người thầy giúp học trò tăng trưởng trí tuệ, thành tựu học nghiệp, đạo nghiệp. Tuy chẳng phải là con ruột để bồng bế yêu thương, nhưng thầy luôn lo lắng, dõi theo học trò mà tán dương, hy vọng. Như vậy, chữ “Tín” trong quan hệ thầy – trò đã trở thành tín nghĩa, đạo nghĩa.

CHỮ “TÍN” TRONG QUAN HỆ QUÂN THẦN

Chữ “Tín” trong quan hệ quân – thần là cái gốc để đất nước thái bình, nhân dân hạnh phúc. Người xưa có câu: “Quân vô hí ngôn”, nghĩa là người làm vua thì nhất định không nói đùa. Tục ngữ cũng nói: “Thượng bất chánh, hạ tắc loạn”, lời nói của người trên không chánh, tất sẽ khiến kẻ dưới chê cười. Vì vậy, lời nói của người lãnh đạo phải đều là lời nói có trí tuệ, có trách nhiệm thì cấp dưới mới tin tưởng, mới tuân thủ, đất nước mới được an định. Chữ “Tín” của cấp dưới không chỉ là ở lời nói mà thông qua việc làm có thể nhận được sự tín nhiệm của người lãnh đạo, lại còn phải biết khuyên can khi lãnh đạo có sai lầm. Người bề tôi biết giữ chữ “Tín” với bậc quân vương thì cũng chính là giữ tín với cha mẹ và thầy cô, là giữ “Tín” với dân với nước. Vì thế, chữ “Tín” trong quan hệ quân – thần chính là nền tảng trong việc dựng nước và giữ nước.

CHỮ “TÍN” TRONG QUAN HỆ VỢ CHỒNG

Trong quan hệ vợ – chồng, chữ “Tín” giúp nếp nhà êm ấm, an vui, lại giữ cho ngũ luân bền chặt.

CHỮ “TÍN” TRONG QUAN HỆ ANH EM

Quan hệ anh – em mà có tín nghĩa, có ân nghĩa và tình nghĩa… thì cũng chính là đang báo hiếu song thân, là cơ sở cho gia đạo hưng long, gia đình bền vững.

CHỮ “TÍN” TRONG QUAN HỆ BẠN BÈ

Chữ “Tín” trong quan hệ bằng hữu (bạn bè) lại càng phải xem trọng. Người xưa nói: “Cha mẹ là gia tài, anh em là chỗ dựa, bè bạn là cả hai”. Quan trọng nhưng cũng dễ dàng tan vỡ, đó chính là mối quan hệ bạn bè. Cổ nhân dạy: “Bằng hữu hữu tín”, có “Tín” thì mới được xem là bằng hữu, chỉ cần “một lần thất tín” thì “vạn lần mất tin”. Cho nên con người từ nhỏ đến lúc tuổi già, chẳng ai là không có bạn. Thành công hay thất bại, vui buồn hay sướng khổ, trẻ nhỏ hay lão ông… đều cần có bạn. Bạn để tâm tình, khuyên bảo, cũng có khi nhờ bạn để tiến thân hoặc thành tựu sự nghiệp, đều cần có “Tín”.
Vì vậy mới nói rằng: Chính quyền, dân chúng giữ “Tín” thì nước không loạn. Cha mẹ, con cái giữ “Tín” thì nhà không tan. Vợ chồng giữ “tín” thì yên ấm trong nhà. Anh em giữ “Tín” thì cốt nhục tình thâm. Huống hồ là bằng hữu kết giao hay những mối manh mua bán, vốn là quan hệ mong manh nhạy cảm.

Thế mới hay, muốn sống tròn đạo nghĩa nhân, không “Tín” cũng hóa phù vân; Hòng mưu được cái danh lợi, thất tín cũng ra bèo bọt. Là người Việt, chúng ta hãy lật từng trang sử để càng thêm yêu đất nước và con người Việt Nam. Dân tộc ta có rất nhiều gương Tín Nghĩa, đó đều là những tấm gương sáng để con cháu ngàn đời kế thừa và tiếp nối.