Thư gửi bà ngoại – Người Thầy lớn trong cuộc đời con

Thư gửi bà ngoại – Người Thầy lớn trong cuộc đời con

Kính gởi Bà Ngoại của con,

Đêm nay, con nhớ Ngoại khi nghĩ về những người thầy cô trong cuộc đời mình. Lạ quá phải không Ngoại? Có lẽ Ngoại sẽ không hiểu vì sao con lại nhớ một cách “chẳng liên quan” như rứa.

Ngoại biết không, con từng nghĩ cha mẹ là cha mẹ, còn thầy cô là thầy cô, tách bạch ra như rứa đó. Cho tới bây giờ, con mới biết cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên trong cuộc đời mỗi con người bởi cha mẹ dạy chúng con tập nói, dạy chúng con tập đi những bước đi đầu tiên, dạy chúng con làm người – những bài học đầu tiên  trong cuộc đời.

Ngoại cũng biết 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, con cảm thấy biết ơn nhiều đến vậy! Và với con, Ngoại chính là người cô giáo đặc biệt nhất, khó tính nhất và cũng đầy yêu thương nhất.

Con còn nhớ, con đã về ở với ông bà ngoại từ khi con mới 9 tuổi. Từ Gia Lai đến Quảng Nam là một quãng đường dài. Từ năm 1997 đến 2005 cũng là một quãng thời gian không phải ngắn. Trong suốt những tháng năm ấy, chính Ngoại đã dạy cho con rất nhiều điều mà tới tận bây giờ con vẫn còn nhớ mãi.

Ngoại dạy rằng con gái thì phải biết nấu ăn, biết lao động, biết làm việc nhà. Cả đời Ngoại không có lúc nào ngơi nghỉ, Ngoại vất vả lao nhọc, không làm cái này thì làm cái kia. Con còn nhớ khi trời còn chưa sáng, Ngoại đã thức dậy, đổ bánh bèo, rồi nấu bún để bán. Những ngày hè nắng chói chang, Ngoại bán bún ở ngoài đồng lúa cho người ta ăn giữa buổi. Con chẳng thể nào quên dáng Ngoại gầy guộc gánh đôi gióng đi thoăn thoắt, lưng ướt đẫm mồ hôi.

Có những lúc con vụng về hoặc ham chơi, Ngoại la mắng con, có lúc còn cố ý nói thật to cho cả xóm nghe thấy để cho con xấu hổ. Ngoại còn nhớ không, nhà mình có một cây mận rất nhiều trái, có lần con ham chơi nên đã quên nấu cơm. Ngoại giận nên đem rựa chặt cây đi mất. Ngoại nói con gái phải nết na thùy mị, không được leo trèo, đi đứng cho đàng hoàng, không được cười to nói lớn, đã quên nấu cơm, lại còn đùa giỡn ở trên cây.

Ngoại biết tay chân của con lóng ngóng vụng về, nhưng Ngoại vẫn kiên nhẫn bày cho con từng li từng tý. Không có việc gì mà ngoại không cho con cơ hội để làm. Nấu ăn, làm việc nhà, giặt đồ, phơi lúa…dù con làm tốt đến đâu ngoại cũng không bao giờ khen con khi có mặt con ở đó. Ngoại yêu cầu con tự giặt đồ của mình, nếu con giặt sạch thì mặc đồ sạch, giặt nhớp thì con bị người ta chê cười. Ngoại đã rất nghiêm khắc với con, hầu như không bỏ qua cho con một lỗi nào. Ngoại nói, ngoại muốn con trở thành một người con gái tốt, sau này đi lấy chồng, người ta không thể chê cười con, cũng không thể nói rằng gia đình mình không biết dạy dỗ con cháu.

Ngoại nói, con gái không được ngồi lê đôi mách, tám chuyện bao đồng, không được la cà ngoài hàng quán xá ăn hàng…Ngoại cũng dạy con biết cách tiết kiệm. Chính bản thân Ngoại đã sống vô cùng tiết kiệm để nuôi đàn con khôn lớn. Mỗi lần đi chợ về, tất cả bao nylong, ngoại đều giặt sạch để dành cho dì đựng đồ bán tạp hóa. Thức ăn thừa, Ngoại không cho con đem đổ đi nếu còn dùng được, nhất là cơm. Ngoại nói không dễ gì mình làm ra hạt gạo, làm ra được cũng vô cùng cực khổ. Vì vậy, cơm còn dư thì Ngoại cất để hôm sau chiên ăn sáng… Cả đời Ngoại đã làm ra tấm gương thật tốt cho con noi theo.

Với con, Ngoại là người nấu ăn ngon nhất. Con học thế nào cũng không nấu ra vị đó. Ngoại nói với con: “Sau này, người ta có đi xem mặt con để cưới về làm dâu thì họ sẽ vào cái bếp để coi xem bếp núc gọn gàng sạch sẽ hay không, nhà cửa có ngăn nắp không, chứ không phải coi mỗi cái mặt không đâu. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Lúc nớ, con chỉ biết cười vì nghĩ Ngoại lo xa quá, nhưng thực sự Ngoại đã dạy cho con rất nhiều điều cơ bản và cần thiết. Con cảm ơn Ngoại nhiều lắm Ngoại ơi! Suốt cả đời này, con sẽ không thể nào quên công ơn và những lời Ngoại dạy.

Ngoại kính yêu của con! Ngày Ngoại ra đi, con hụt hẫng vô cùng, cũng không dám khóc nhiều. Mỗi lần về thăm quê, con cứ nhớ mãi hình ảnh của Ngoại. Con hối hận vì chưa bao giờ nói với Ngoại rằng con thương Ngoại nhiều lắm, con cảm ơn Ngoại nhiều lắm. Con nghĩ người miền Trung của mình đôi khi cũng kỳ cục phải không Ngoại, những lời yêu thương như rứa bao giờ cũng chỉ để ở trong lòng, nói ra cứ thấy xấu hổ.

Con nhớ lắm cái giọng nói quen thuộc của Ngoại. Dù Ngoại đã xa con 8 năm rồi, nhưng mỗi lần trở về, nơi nào cũng in dấu hình của Ngoại. Con xin lỗi Ngoại vì trước đây con đã sống một cuộc đời nhạt nhẽo, chưa làm được gì cho quê hương đất nước. Con hứa với Ngoại, những ngày tháng sau này, khi được làm cô giáo tại Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức, con sẽ sống thật có ích cho cuộc đời, đóng góp sức mình dù nhỏ bé để Ngoại yên lòng, để Ngoại tự hào nói rằng “con bé nớ hắn là cháu tui đó” như lời Ngoại nói đầy tự hào với bà hàng xóm ngày xưa.

Con cảm ơn Ngoại đã cho con hành trang vững vàng trước khi con vào đời. Con thương và nhớ Ngoại nhiều lắm! Con hứa sẽ sống thật tốt để xứng đáng với những hi sinh mà cả đời Ngoại đã dành cho chúng con.

Ròm của Ngoại

 

(Thư tri ân gửi bà ngoại đã khuất của cô giáo Nguyễn Thị Vũ Loan– Trường Mầm non Minh Tâm, Đà Nẵng)

Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức
Tự tin – Tình yêu – Trách nhiệm