Tấm Gương Đức Hạnh Vua Lê Thánh Tông

Tấm Gương Đức Hạnh Vua Lê Thánh Tông

Vua Lê Thánh Tông nổi tiếng là một vị vua anh minh, một nhà cách tân vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam nói chung và triều đại nhà Lê nói riêng, ông trở thành tấm gương, để các Vua chúa sau này gắng sức noi theo. Ông được ca ngợi là một vị vua gần gũi, thương dân vô bờ bến, ông đời đời sống mãi trong sử sách, cũng như những câu chuyện truyền khẩu trong dân tộc Việt Nam.

Sau đây là 1 bài thơ do chính Vị vua kiệt xuất của chúng ta sáng tác, thể hiện chân dung của một bậc thiên tử chân chính:

Lòng vì thiên hạ lo âu
 
Thay việc trời, dám trễ đâu
Trống rời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu

Với thiên tư thông minh và rất chăm chỉ học hành, thể hiện con người có chí khí lớn. Khi ngồi vào ngai vàng với bao nhiêu bộn bề lo toan nhưng nhà vua hầu như không lúc nào tay rời cuốn sách và xao nhãng công việc.

Vua Lê Thánh Tông tên thật là Lê Tư Thành, ông sinh ngày 25 tháng 08 năm 1442. Ông là con trai út của Vua Lê Thái Tông và Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Ông lên ngôi khi chưa tròn 18 tuổi, là vị vua trị vì lâu nhất thời Lê Sơ với 37 năm ngự trị.

Từ nhỏ ông đã có một thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ mặt tuấn tú nhân hậu, thông minh khác người, dáng dấp đoan chính, chỉ vui với sách vở cổ kim, nghĩa lý Thánh Hiền, ưa điều thiện, thích gần người hiền, chăm chỉ không biết mệt mỏi.

Dưới sự trị vì của vua Lê Thánh Tông, tên tuổi và sự nghiệp của ông luôn song hành cùng giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Đại Việt. Xuyên suốt chặng đường trị vì 37 năm của mình, ông đã có những chính sách cải tổ, cách tân sáng suốt, đã đưa đất nước Đại Việt phát triển cường thịnh về mọi mặt: hành chính, quân sự, luật pháp, kinh tế, giáo dục, văn hóa xã hội.