Mùng Một TẾT CHA, mùng Hai TẾT MẸ, mùng Ba TẾT THẦY

Mùng Một TẾT CHA, mùng Hai TẾT MẸ, mùng Ba TẾT THẦY

Trong ba ngày Tết, dân gian ta có một phong tục là “Mồng một Tết Cha, mồng hai Tết Mẹ, mồng ba Tết Thầy”. Câu thành ngữ này mang đậm tính nhân văn, phản ánh một nếp sống đẹp trong truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta từ xưa đến nay.
 

Mùng một Tết Cha

 
Theo thông lệ truyền thống của Việt Nam, “Cha” được hiểu như là bên nội, “Mẹ” được hiểu như là bên ngoại. Do vậy, vào hai ngày đầu tiên của năm mới, dù đã có gia đình riêng thì con cái, cháu chắt đều hướng về Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ hai bên để được nghe lời giáo huấn, dạy dỗ của Ông Bà, Cha Mẹ và các bậc trưởng bối, từ đó nâng cao đức hạnh, tiếp tục duy trì gia phong của Tổ Tiên truyền lại.
 

Mùng 2 Tết Mẹ

Vào hai ngày này, con cháu sẽ ăn mặc thật trang nghiêm, chỉnh tề, mùng 1 về bên nội, mùng 2 về bên ngoại để lễ kính, dâng bao đỏ cúng dường Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ và các bậc cao niên để tỏ lòng biết ơn, nói những lời chúc phúc tốt đẹp và sẵn sàng tiếp nhận lời dạy của Tổ Tiên. Sau đó, Ông Bà, Cha Mẹ mới dặn dò con cháu những điều cần thiết trong năm mới rồi gửi tặng phong bao “lì xì”, như trao truyền gia phong Tổ Tiên cho con cháu, để con cháu tiếp tục gìn giữ và phát triển.
 
 
Mở rộng ra, chúng ta cũng có thể hiểu “Cha” được ví như “Trời”, “Mẹ” được ví như “Đất”. Ý nghĩa của câu này là nhắc nhở chúng ta vào dịp Tết phải biết tri ân Trời Đất, tri ân Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ.
 

 

Mùng 3 Tết Thầy

Sau hai ngày đầu năm “Tết Cha”, “Tết Mẹ”, vào ngày mùng 3 Tết, mọi người thường rủ nhau đến chúc Tết Thầy Cô giáo để tỏ lòng biết ơn, kính trọng và ôn lại kỷ niệm xưa đối với những Thầy Cô giáo cũ. Tuy nhiên, chữ “Thầy” ở đây không chỉ bao gồm những người Thầy đứng trên bục giảng đã dạy dỗ chúng ta mà còn bao gồm cả bạn bè của chúng ta nữa.
 

 
Với tinh thần “tôn sư trọng đạo”, người Việt luôn quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Bạn bè của chúng ta cũng là những người Thầy trong cuộc sống của chúng ta, giúp chúng ta học hỏi được rất nhiều điều. Nhưng đầu tiên, chúng ta phải hướng tới những người Thầy căn bản, những người Thầy trên giảng đường, trong trường lớp đã dìu dắt và dạy dỗ chúng ta những điều hay lẽ phải từ khi chúng ta còn nhỏ.
 
Tiếp đến, những người bạn, những người đồng nghiệp trao đổi với chúng ta những kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm làm việc trong công việc và trong cuộc sống. Họ đều là những người Thầy của chúng ta. Cho nên chúng ta có thể phân tích và hiểu về ý nghĩa của chữ “Thầy” như vậy để mở rộng tâm tri ân của mình đối với tất cả mọi người.
 

Phòng dịch và đón Tết an toàn, ý nghĩa

Trong giai đoạn tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng ta nên hạn chế đi lại, không nên tổ chức ăn uống linh đình để hạn chế sự gia tăng của dịch bệnh sau dịp Tết. Đối với những địa phương đang nằm trong vùng cam (nguy cơ cao) hoặc vùng đỏ (nguy cơ rất cao), nếu không thể trực tiếp đến thăm mọi người được thì chúng ta có thể gọi điện thăm hỏi và tặng quà Tết bằng nhiều cách thức linh hoạt mà vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống trong dịp Tết.
 
Trong dịp Tết, chúng ta cần nghiêm túc thực hiện quy định 5K của Chính phủ để bắt đầu một năm mới an toàn và hạnh phúc.
 
TẾT NÀY CHUẨN MỰC PHẢI LÀM GƯƠNG
XUÂN XƯA GƯƠNG SÁNG GẮNG NỐI TRUYỀN
 
Kính chúc muôn nhà đón Tết Nhâm Dần 2022 ấm áp và bình an!