Khai Minh Đức – Quá trình hình thành và phát triển
GIÁO DỤC NGÀY XƯA
Từ ngàn đời xưa, ông cha ta đã dạy, muốn xã hội an định thì gia đình phải an định, để làm được điều này chúng ta phải thực hiện tốt các mối quan hệ giữa người với người (người xưa gọi là ngũ luân). Đó là mối quan hệ vợ chồng, cha con, anh em, bạn bè, cấp trên và cấp dưới. Nếu hàng ngàn năm trước, làm con phải hiếu thảo với Cha Mẹ thì ngày nay giá trị đó vẫn còn nguyên vẹn. Cho dù bạn sống thời đại nào, ở đâu thì làm con vẫn luôn cần hiếu kính Cha Mẹ; làm trò phải kính trọng Thầy cô; làm chồng sống có nghĩa, làm vợ nhu thuận, nhẫn nhịn, bao dung; làm cha phải nghiêm khắc, rộng lượng; làm mẹ phải hiền từ, bao dung; anh nhường – em kính; người dưới trung thành với người trên, người trên thương yêu, giúp đỡ người dưới; bạn bè chân thành giữ chữ tín… Trong xã hội hiện đại, những giá trị đó đang dần mai một, quan niệm, tư tưởng sống của người trẻ cũng đã thay đổi theo xu thế của thời đại.
GIÁO DỤC NGÀY NAY
Ngày nay nhiều Cha Mẹ sẵn sàng chi tiêu gần nửa ngân sách của gia đình cũng như dành nhiều thời gian của mình vào việc đầu tư học tập cho con cái. Vấn nạn là bọn trẻ quay cuồng với việc học kiến thức, ít có thời gian vui chơi, rèn luyện thể lực và lao động giúp đỡ gia đình dẫn đến khả năng tự lập, kỹ năng sinh tồn thấp. Nguy hiểm hơn có nhiều phụ huynh nuông chiều và đáp ứng mọi nhu cầu, yêu cầu của con trẻ. Từ đó, con cái trở nên ích kỷ, lười biếng, sống vô cảm và không có tâm tri ân, cảm ơn đối với bố mẹ, người thân và cộng đồng.
Biết bao trăn trở trước thực trạng xã hội như vậy! May mắn thay, chúng tôi đã được tiếp cận và học hỏi một vị Thầy vô cùng đáng kính, đó là Thầy giáo Phạm Văn Ánh, còn được biết đến là Thầy Vọng Tây. Thầy là người đã có nhiều năm dịch và nghiên cứu về những lời dạy của các bậc thánh hiền nhân, về văn hóa truyền thống. Thầy đã hiểu và nhận ra được giá trị tuyệt vời từ những lời răn dạy của ông cha ta, những giá trị tạo nên con người có trí tuệ, có tấm lòng từ bi yêu thương. Thầy hiểu rằng muốn góp phần thay đổi tích cực cho thế giới này thì một trong những phương pháp hiệu quả chính là giáo dục. Và giáo dục là cần đặt nhiệm vụ đào tạo nhân cách đạo đức lên hàng đầu. Ứng dụng những lời dạy của cổ thánh tiên hiền, của tổ tiên vào nội dung và phương pháp giáo dục sẽ tạo ra những thế hệ học trò vừa có đức và có tài để cống hiến cho gia đình và xã hội.
Ý NGHĨA SỰ RA ĐỜI
Từ tinh thần đó, Thầy đã truyền lửa xuống cho các thế hệ học trò của Thầy cùng nuôi chí hướng làm giáo dục, cống hiến thông qua giáo dục. Chúng tôi, dưới sự dẫn dắt của Thầy đã cùng nhau tập trung nghiên cứu tài liệu về văn hóa truyền thống, những quy tắc ứng xử chuẩn mực của người xưa. Đúng như lời cha ông ta dạy “Tiên học lễ, hậu học văn”, người xưa luôn đặt việc giáo dục đạo đức, lễ nghi cho trẻ lên hàng đầu. Đạo đức là phẩm chất không thể thiếu và là điều quý giá nhất đối với mỗi con người. “Tiên học lễ, hậu học văn” cũng vì lẽ đó nói lên thứ tự ưu tiên khi giáo dục con trẻ, kết hợp hài hòa giữa “Đức” và “Tài” để tạo nên con người toàn diện.
Với mong muốn duy trì những truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại và truyền thừa lại cho thế hệ sau, góp phần tạo nên sự an định cho xã hội, chúng tôi quyết tâm xây dựng hệ thống giáo dục mà trong đó chú trọng việc lấy nhân cách đạo đức làm nền tảng, kiến thức và kỹ năng là cần thiết để dạy dỗ các con trở thành những con người toàn diện.
Tháng 6 năm 2014, Cơ sở Mầm non đầu tiên ra đời tại Hà Nội với tên gọi “Đức Trí”, đánh dấu cho sự khởi đầu của Hệ thống. Ngôi trường đầu tiên ra đời với bao tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo, tập thể các Thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên, những con người đầy đam mê và nhiệt huyết. Vượt qua bao khó khăn, vất vả và trở ngại, những thành quả đầu tiên đã được nhen nhóm. Có những thời điểm không ít hồ sơ xin học của các gia đình nằm trong danh sách chờ tuyển sinh, phần vì quy mô đào tạo chưa nhiều, phần vì có quá nhiều phụ huynh tin tưởng và truyền tai nhau để mong muốn các con cùng được học tập ở môi trường này. Chính sự thành công ấy mà lần lượt các trường mầm non Minh Trí và Khai Trí đã ra đời tại Hà Nội.
SAU 10 NĂM, KHAI MINH ĐỨC ĐÃ CÓ HỆ THỐNG CÁC TRƯỜNG TRẢI DÀI TRÊN KHẮP CẢ NƯỚC
Hiện tại, đây là môi trường giáo dục, học tập rèn luyện không chỉ được các bậc phụ huynh mà các cấp quản lý tại địa bàn đánh giá cao. Để kết nối các trường cùng chung một sứ mệnh, hệ giá trị, triết lý giáo dục và chương trình đào tạo cũng như nhân rộng mô hình này tới nhiều tỉnh thành trong cả nước, Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức đã ra đời. Khai Minh Đức là tên viết tắt của các chữ cái đầu của các trường mầm non Khai Trí, Minh Trí và Đức Trí để thể hiện sự tri ân, ghi nhận những dấu mốc quan trọng, những thành quả đầu tiên của Hệ thống.
Đến nay, sau 10 năm hoạt động, Hệ thống đã lớn mạnh và phát triển cả về số lượng trường và quy mô đào tạo. Tính đến thời điểm tháng 09/2024, cả nước đã có 20 ngôi trường mầm non trực thuộc Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức. Bên cạnh đó, Hệ thống còn hỗ trợ đào tạo miễn phí phương pháp và chương trình tới các trường bạn để cùng nhau lan tỏa những giá trị giáo dục tốt đẹp mà ông cha ta đã để lại.
Ban Lãnh đạo Hệ thống ấp ủ ước mơ trong tương lai tiếp tục xây dựng trường liên cấp để nhiều thế hệ học sinh có môi trường học tập và rèn luyện đạo đức văn hóa truyền thống.