Bồi dưỡng nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên mầm non
Nhận lời mời của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai, Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức đã chia sẻ chuyên đề “Bồi dưỡng nâng cao đạo đức nghề nghiệp và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện trong trường mầm non” vào sáng thứ Năm ngày 21/7/2022 tại Ủy ban Nhân dân xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Buổi hội thảo có sự tham dự của hơn 200 Lãnh đạo, cán bộ quản lý và Giáo viên nòng cốt đến từ 26 trường mầm non thuộc địa bàn huyện Thanh Oai và một số Thầy Cô giáo Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức.
Tại buổi chia sẻ, Cô Nguyễn Thị Kim Quý – Hiệu trưởng Mầm non Khai Trí Văn Quán (trực thuộc Hệ thống giáo dục Khai Minh Đức) đã tâm sự những trải nghiệm của bản thân khi được học văn hóa truyền thống, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và niềm hạnh phúc khi ứng dụng “Phép Tắc Người Con” vào hoạt động chăm sóc và dạy dỗ các con.
Thầy giáo – Tiến sĩ Phan Trung Phương đã chia sẻ về sứ mệnh và vai trò của người làm giáo dục. Những triết lý giáo dục sâu sắc và những câu chuyện giáo dục đầy ý nghĩa mà Thầy chia sẻ đã để lại ấn tượng tốt đẹp và đầy thuyết phục đối với hội trường.
GIÁO DỤC LÀ “THÂN GIÁO”, CHÍNH MÌNH PHẢI LÀM GƯƠNG
Người xưa dạy: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Tốt nhất là người Mẹ cần dạy con từ khi con còn nằm trong bụng Mẹ, gọi là “thai giáo”. Khoa học đã chứng minh rằng thai nhi không chỉ tiếp nhận dinh dưỡng từ người Mẹ mà tất cả mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm của người Mẹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Vì vậy người Mẹ cần giữ tâm bình khí hòa, chỉ tiếp xúc với những điều tốt đẹp, không tiếp xúc với những điều tiêu cực thì mới có thể truyền cho con những điều thiện lành, tốt đẹp. Ngay trong lúc mang thai, chính bản thân Cha Mẹ phải thực hành hiếu thảo thì từ trường hiếu thảo, sóng hiếu thảo đó sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Như vậy chúng ta mới thật sự gieo cho thai nhi hạt giống tốt để những hạt giống ấy phát triển thành những nhân cách tốt đẹp trong tương lai.
Trẻ mầm non có năng lực bắt chước và năng lực ghi nhớ rất tốt. Chúng ta hãy giúp các con hình thành những thói quen tốt, từ đó những nhân cách tốt đẹp của các con sẽ được hình thành một cách tự nhiên từ những hoạt động thường ngày. Để làm được như vậy, Thầy Cô và Cha Mẹ phải làm ra những tấm gương tốt, phải cùng nhau phối hợp trong việc dạy con. Cha Mẹ phải làm tấm gương tốt cho con cái. Thầy Cô phải làm tấm gương tốt cho học trò. Lãnh đạo, quản lý phải làm tấm gương cho nhân viên. Đó chính là thân giáo.
Học văn hóa truyền thống là học luân thường đạo lý, người làm con phải học hiếu thảo với Cha Mẹ, người học trò phải học kính trọng Thầy Cô. Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam chính là một tấm gương sáng để chúng ta học tập Người trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong việc kế thừa văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nếu các con được ví là những mảnh vải đẹp được phụ huynh tin tưởng và gửi gắm cho “người thợ may” thì chúng ta hãy làm những người thợ may tốt, hãy làm những người thợ may có tâm, hãy làm những người thợ may có đức hạnh để làm ra những sản phẩm tốt.
Sau khi lắng nghe những chia sẻ của các Thầy Cô đến từ Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức, đội ngũ cán bộ quản lý và Giáo viên của huyện Thanh Oai đã bày tỏ mong muốn tiếp tục được đón nhận, tham gia những buổi tập huấn như vậy để có thể học tập được nhiều hơn, có thể từng bước áp dụng những kinh nghiệm hay trong giáo dục vào công việc thực tế.
Cuối buổi hội thảo, Cô Bùi Thị Thu Hiền – Phó trưởng phòng Giáo dục – Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai xúc động gửi lời cảm ơn Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức đã mang đến một chương trình tập huấn vô cùng ý nghĩa, không chỉ giúp đội ngũ Lãnh đạo, cán bộ quản lý và Giáo viên nắm được vấn đề gốc rễ của giáo dục, có thêm kinh nghiệm dạy học mà còn thêm yêu nghề, thêm động lực để tiếp tục nỗ lực học tập và cố gắng trong sự nghiệp trồng người.