Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người con trung hiếu
Hiếu với mẹ
Bác Hồ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước nồng nàn. Lúc Bác 10 tuổi, cha của Bác đi chấm thi Hương ở Thanh Hóa theo sự tiến cử của triều đình. Khi ấy, mặc dù đang bị bệnh sản hậu sau sinh nhưng mẹ của Người vẫn nén nỗi đau riêng, động viên cha của Người gác việc nhà để lên đường lo việc nước.
Trong thời gian ấy, bệnh của mẹ Bác ngày càng nặng, sức khỏe suy sụp rất nhanh. Hàng ngày Bác Hồ (bé Côn) nấu cháo, sắc thuốc, ân cần chu đáo chăm sóc mẹ hết lòng. Côn còn bế em sang hàng xóm xin những bà mẹ đang nuôi con thơ cho em được bú nhờ, nên từ đó em của Người được gọi bằng tên thân mật là em Xin.
Ngày 10 tháng 02 năm 1901 tại Huế, mẹ của Người đã qua đời vì bệnh không qua khỏi, để lại hai con nhỏ là bé Côn và bé Xin cô đơn. Chôn cất mẹ xong, Côn lại bế em về ngôi nhà hoang vắng. Đêm đầu tiên vắng mẹ, Côn thấy rờn rợn, bé Xin nhớ hơi mẹ, thèm sữa gào khóc, Côn đã cất tiếng ru em. Côn thay mẹ chăm em, hàng ngày dỗ dành em, thường xuyên trò chuyện với em.
“Con cứu nước là hiếu với cha rồi đó!”
Cha của Bác Hồ – cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một nhà Nho yêu nước, thương dân và là người có công sinh thành, nuôi dạy cho dân tộc Việt Nam một lãnh tụ kiệt xuất, cho thế giới một danh nhân văn hóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc rất chú trọng đến việc giáo dục con cái, nuôi dạy các con hết sức chu đáo. Mặc dù con đường quan lộ gặp nhiều gian truân và gia cảnh neo đơn, khó khăn về cuộc sống, nhưng cụ luôn kiên trì, nhìn xa trông rộng. Sớm nhận ra tài năng của người con trai Nguyễn Tất Thành nên cụ đã chú tâm đặc biệt chăm lo bồi dưỡng về “lập ngôn, lập đức” để hướng tới “lập thân, lập nghiệp” cho con. Cụ đã đưa con trai đi thăm nhiều nơi, gặp gỡ nhiều sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, gây dựng ý thức về cuộc kháng chiến của Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng chống thực dân Pháp… để mong sao con trai sớm nhận thức ra con đường cứu nước, cứu dân đúng đắn. Nhờ đó, từ thời niên thiếu, Bác Hồ dần dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất, nhà tan.
Được cha dạy dỗ cẩn thận, vì vậy lòng hiếu thảo của Bác Hồ sớm được nâng cao, từ hiếu thảo cha mẹ đã chuyển trở thành “trung với nước, hiếu với dân”. Năm hai mươi tuổi, Bác đã chia tay cha kính yêu để lặn lội vào Sài Gòn, rồi sau đó lên đường sang trời Tây tìm đường cứu nước. Hành trang của Bác khi đó chính là lời dặn dò tha thiết của cha: “Con đừng bận tâm về cha! Nước mất, con lo tìm đường cứu nước. Cứu nước là hiếu với cha rồi đó! Con hãy mạnh dạn lên đường! Cha chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn để trông tin tức của con”.
Gần 10 năm sau, khi ở Cao Lãnh, cụ Phó Bảng rất phấn chấn khi nghe tin Nguyễn Ái Quốc ký tên bản yêu sách tám điểm gửi hội nghị Versailles. Cụ yên tâm khi thấy con trai đã thực hiện được hoài bão của mình. Đó là người con chí hiếu, đã biết nâng cao chữ Hiếu đối với cha sang Hiếu với dân, với nước.
Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ trồng hoa râm bụt trước lán ở và làm việc cạnh cây đa to lớn, trở thành biểu tượng của chữ Hiếu. Bác thường nói: “Nhìn bờ râm bụt nhớ mẹ cha, nhìn ngọn cây đa nhớ xóm làng”. Sau ngày Bác qua đời, người ta phát hiện trong một hộp gỗ đẹp mà Bác luôn trân trọng đặt trên cao có một bức ảnh cũ của người cha thân yêu. Trái tim Bác luôn mang nặng chữ “hiếu” với gia đình, với dân tộc và Tổ quốc.
Lời bàn:
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng viết: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc”.
Một nhân cách lớn, một tư tưởng lớn cũng là từ cái gốc mà trưởng thành. Cái gốc đó không gì khác, chính là “Hiếu” và “Đễ”. Tình cảm cha mẹ thiêng liêng và lòng yêu nước nồng nàn là những điều tuyệt vời chúng ta cảm nhận được từ Bác Hồ. Bác lớn lên trong sự dạy dỗ cẩn thận của cha mẹ, ra đi tìm đường cứu nước mà hành trang trên vai là chữ “Hiếu” với cha. Trong bối cảnh nước mất, nhà tan, chữ “Hiếu” của Bác đã được hun đúc và nâng lên thành hiếu với dân, với nước, quyết một lòng ra đi tìm chân lý, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, cho dân tộc.
Người xưa dạy: “Trung thần xuất thân từ người con hiếu thảo”. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là một người con trung hiếu vẹn toàn, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của Người là sự hội tụ đẹp nhất, tuyệt vời nhất và trọn vẹn nhất về phẩm chất quý báu của một con người.
Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức
Tự tin – Tình yêu – Trách nhiệm