Ý nghĩa nghề thầy
Ngày 20/11 từ lâu được xem là ngày tôn sư trọng đạo nhằm tôn vinh các thầy giáo, cô giáo và những người làm giáo dục. Vào ngày này, cả xã hội và các thế hệ học trò thể hiện sự tri ân với “những người đưa đò thầm lặng”. Cùng với đó, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng là dịp để ngành giáo dục nhìn lại “nghề thầy”, đánh giá hiệu quả của các hoạt động giáo dục và lập phương hướng cho các cải tiến trong dạy và học.
Từ 80 năm trước, trong tác phẩm “Nghề thầy”, tác giả Hoàng Đạo Thúy (nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ 20) đã dùng hai chữ “nghề thầy” bình dị mà trang trọng để nói về công việc của những nhà giáo. Cụ Hoàng Đạo Thúy đã xác định rõ mục đích của giáo dục mà những người làm thầy theo đuổi là “đem lũ trẻ con người ta trao cho mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất”.
Đối với các cô giáo mầm non, “nghề thầy” cùng là “nghề làm mẹ”:
Có một nghề là nghề cao quý nhất
Nghề làm Mẹ, sứ mệnh rất thiêng liêng
Không sinh con nhưng được gọi “Mẹ hiền”
Giúp đàn con chắp cánh tuổi thần tiên
Học và hành giáo huấn của Thánh Hiền
Yêu văn hoá truyền thống của Tổ tiên
Đầy nhiệt huyết, vô tư và cống hiến
Tô thắm đời hạnh phúc và bình yên
Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức
Tự tin – Tình yêu – Trách nhiệm