Vua Mai Hắc Đế đánh hổ cứu Mẹ

Vua Mai Hắc Đế đánh hổ cứu Mẹ

Mai Thúc Loan (670-723) tên thật là Mai Phượng, tự là Thúc Loan, quê ở làng Mai Phụ, xứ Thiên Lộc, thuộc Hoan Châu (nay là làng Ngọc Trừng, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An).
Không người thân, họ hàng, cuộc sống của mẹ con Mai Thúc Loan trải qua bao đắng cay, cực khổ. Mai Thúc Loan lớn lên trong sự yêu thương, che chở của mẹ và ông luôn cố gắng để trở thành nguồn động lực cho bà. Là người con hiếu thảo, từ nhỏ, Mai Thúc Loan đã theo mẹ vào rừng hái rau, hái măng, đốn củi đem xuống chợ để bán. Lớn lên, ông đi chăn trâu cho nhà giàu trong vùng đỡ đần mẹ. Cuộc sống lam lũ, nghèo khó dường như đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho người anh hùng sớm nuôi chí lớn. Mai Thúc Loan nổi tiếng là người có sức khỏe, thông minh, tài trí hơn người và là một trong những đô vật nổi tiếng khắp vùng.


Mai Thúc Loan đánh hổ cứu mẹ
Truyền rằng vì nhà nghèo nên từ thuở nhỏ Mai Thúc Loan đã phải làm việc giúp cha mẹ đỡ đần việc nhà. Một lần Mai Thúc Loan cùng mẹ vào rừng kiếm củi, bất ngờ có một con hổ lớn lông vàng chồm ra ngoạm lấy cổ bà mẹ định tha đi. Cậu bé họ Mai nghe tiếng thét của mẹ liền lao đến dang tay chém mạnh một nhát rìu vào đầu hổ, con hổ dữ tuy bị chém đòn chí mạng phải buông mồi nhưng vẫn nhảy tới tát mạnh vào kẻ tấn công. Mai Thúc Loan nhanh nhẹn tránh được rồi dồn sức dùng rìu chém tiếp một nhát, con hổ bạt vía cụp đuôi bỏ chạy vào rừng với vệt máu từ vết thương lớn trên người.
Người mẹ thoát khỏi nanh vuốt của hổ nhưng vì vết thương trên cổ quá nặng nên đã qua đời. Mẹ của Mai Thúc Loan chết, sau đó bố ông cũng vì buồn rầu mà chết theo. May mắn có một người bạn của cha tên là Đinh Thế đã cưu mang, nuôi dạy ông, đến khi Mai Thúc Loan trưởng thành đã gả con gái là Đinh Thị Ngọc Tô.

Biến cố đau thương và trang sử oanh liệt chống ngoại xâm


Trước họa đô hộ và bóc lột của nhà Đường, gác lại nỗi đau riêng, Mai Thúc Loan đi khắp vùng miền núi đến miền biển để kết thân với các hào trưởng, quý tộc, tù trưởng để mưu nghiệp lớn cứu nước, cứu dân. Lực lượng quân đội của Mai Thúc Loan lên đến hơn 40 vạn.
Năm 713, Mai Thúc Loan chọn làng Vạn An, Nghệ An làm đại bản doanh, dựng cờ khởi nghĩa và sớm lật đổ toàn bộ ách thống trị của nhà Đường, giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc.
Ông xưng Đế, tục gọi là Mai Hắc Đế, đại bản doanh Vạn An trở thành quốc đô của một quốc gia độc lập, tự chủ.
Sách Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn tóm lược rằng:
Quan Đường lắm kẻ tham tài,
Binh dân hàm oán, trong ngoài hợp mưu.
Mai Thúc Loan ở Hoan Châu,
Quân ba mươi vạn ruổi vào ải xa.
Hiệu cờ Hắc Đế mở ra,
Cũng toan quét sạch sơn hà một phương.
Đường sai Tư Húc tiếp sang,
Hợp cùng Sở Khách hai đàng giáp công.
Vận đời còn chửa hanh thông,
Nước non để giận anh hùng nghìn thu.

Lời bàn:
Nghèo khổ rèn luyện ý chí, lam lũ mới biết thâm ân. Mai Thúc Loan khi còn ở với mẹ thì hết lòng đỡ đần, gánh vác mọi công việc để báo ơn mẹ. Lớn lên thì nuôi chí lớn, lập thân hành đạo, giành lại giang san, dương danh hậu thế. Đó cũng chính là càng làm vẹn tròn thêm hai chữ Trung Hiếu vậy.