Khai Minh Đức với hội thảo chuyên đề “Sứ mệnh nghề giáo” 2023
Chúng ta thường biết đến những ngôn từ rất đẹp để nói về nghề giáo như: “Nghề cao quý”, “nghề trồng người”, “người lái đò thầm lặng”, “cống hiến”, “kỹ sư tâm hồn”… Xin cảm ơn xã hội đã tôn vinh nghề giáo, luôn dành tình cảm yêu mến và kính trọng đối với những người làm giáo dục.
Không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, coi đây là một trong những mục tiêu, chiến lược phát triển đất nước và đều có những quy định rõ ràng trong Hiến pháp.
Những người làm giáo dục phải lấy đó làm một niềm tự hào, một niềm hãnh diện vì đã chọn nghề giáo. Hãnh diện và tự hào không phải là để khoe khoang, vỗ ngực mà để ý thức được trách nhiệm lớn lao và sứ mệnh cao cả mà nghề nghiệp giao phó cho mình, từ đó tận tâm tận lực với nghề, xứng đáng với danh xưng “người thầy”, xứng đáng với xưng tụng của xã hội là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Người xưa nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Thầy hiền trí mới đào tạo ra được những bậc hiền tài, mới góp phần làm cho nguyên khí quốc gia cường thịnh. Người thầy hiền trí không chỉ truyền thụ tri thức, mà phải biết truyền cảm hứng cho học sinh, truyền cho các em những suy nghĩ tích cực và lối sống tích cực, giúp học trò hình thành lý tưởng sống tốt đẹp ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
Để trở thành người giáo viên truyền cảm hứng thì thầy cô giáo phải dạy trò bằng tất cả tình yêu thương và sự sáng tạo, phải kính nghề thì mới trọn vẹn được từng bài giảng, mới đầu tư công sức, trí tuệ vào từng tiết dạy để mong nhận được sự cộng hưởng từ phía học trò, mang đến cho học trò những giờ học thật sự bổ ích và lý thú.
Nhà trường và thầy cô luôn luôn phải để tâm đến việc giáo dục học sinh một cách toàn diện, trong đó đạo đức phải được đặt lên hàng đầu, như lời của các bậc tiền nhân: “Tiên học lễ, hậu học văn” – trước tiên phải học lễ nghĩa rồi sau đó mới đến học văn hóa. Trong tất cả các môn học, thầy cô không chỉ có trách nhiệm truyền thụ kiến thức, giải đáp nghi hoặc mà còn phải dạy học trò biết cách làm người, phải lồng ghép được những bài học đạo đức, giúp học trò hình thành những nhân cách tốt đẹp như tính trung thực, lòng tự trọng, lòng trắc ẩn, lòng nhân ái, khoan dung, ý chí và nghị lực…
Trong hoạt động giáo dục cộng đồng hoàn toàn miễn phí dành cho học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, cấp 1, cấp 2, cấp 3, Ban Lãnh đạo Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức luôn dành thời gian để chia sẻ chuyên đề “Sứ mệnh nghề giáo” với đội ngũ Ban Giám hiệu, cán bộ giáo viên nhân viên toàn trường để giúp các thầy cô giáo thêm thấu hiểu sứ mệnh của mình, thêm yêu nghề và thêm gắn bó với nghề.
Sứ mệnh nghề thầy vô cùng thiêng liêng bởi sứ mệnh ấy gắn với sự phát triển của con người, sứ mệnh ấy định hướng cho tương lai của đất nước, của giống nòi. Nhà trường mãi mãi giữ thiên chức là cái nôi đào tạo những người công dân tốt cho xã hội. Một đất nước muốn phát triển tốt đẹp thì trước hết cần phải có những công dân tốt, sống tử tế, nhân ái, trung thực và sống có lý tưởng. Thông qua những buổi hội thảo chuyên đề “Sứ mệnh nghề giáo”, Khai Minh Đức mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc dựng xây đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Hội thảo “SỨ MỆNH NGHỀ GIÁO” tại Trường Tiểu học và THCS Hà Nội – Thăng Long, quận Hà Đông, Hà Nội (29/7/2023)
Hội thảo “SỨ MỆNH NGHỀ GIÁO” tại trường THCS Lê Hồng Phong – Yên Bái (28/10/2023)
Tọa đàm “TRAO YÊU THƯƠNG & TRUYỀN CẢM HỨNG ĐẾN HỌC SINH” tại trường THPT Thân Nhân Trung, Bắc Giang (13/11/2023)
Hội thảo “Sứ mệnh nghề giáo” tại trường THCS Lê Hồng Phong, quận Hà Đông, Hà Nội (5/1/2024)
Hội thảo “SỨ MỆNH NGHỀ GIÁO” tại trường THCS Đại Xuân, Quế Võ, Bắc Ninh (19/1/2024)
Hội thảo “SỨ MỆNH NGHỀ GIÁO” tại trường Tiểu học Hồng Minh, Phú Xuyên, Hà Nội (19/1/2024)
Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức
Tự tin – Tình yêu – Trách nhiệm