Chữ “LIÊM” và những tấm gương đức hạnh Việt Nam

Chữ “LIÊM” và những tấm gương đức hạnh Việt Nam

Nếu như “Kiệm” là gốc để trị gia thì “Liêm” chính là căn bản đức hạnh để trị quốc. Chữ “Liêm” có nghĩa là thanh liêm, liêm khiết. Một người liêm khiết luôn luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được trọn vẹn, không lợi dụng địa vị mình để chiếm của công làm của riêng, để bóc lột nhũng nhiễu. Sách Chu Quan xưa đã dùng chữ “Liêm” để bao quát mọi đức tính của một người đứng ra đảm đương công vụ.  Theo “Chu Quan” thì một công bộc quốc gia liêm chính phải có đức, có tài, biết kính trọng nghề nghiệp, vui vẻ với mọi người, công chính vô tư, biết lễ, biết phép, biết hay dở phải trái. Tóm lại, một người liêm chính là một người tài đức xứng với danh vị của mình, với chức tước, phận vị của mình.

Quản Tử tiên sinh cho rằng không che đậy điều xấu là đức hạnh vẹn toàn. Vì vậy, “Liêm” có mục đích bồi dưỡng và kiện toàn nhân cách vậy. Đức “Liêm” còn là thước đo đạo đức và cũng là thước đo bản lĩnh con người, nhất là khi được giao chức vụ, quyền hạn lãnh đạo, quản lý. Có “Liêm” sẽ không làm điều gì mờ ám, khuất tất, giấu giếm; “Tâm sẽ sáng, trí sẽ thông”; Biết phân biệt đúng sai, xấu tốt, biết tự răn mình tránh điều xấu xa; Tạo ra uy tín và sự kính trọng đối với mọi người; Tạo sức mạnh góp phần phát triển đất nước. Nếu không giữ được “Liêm” thì dù có muốn được lòng dân thì cũng khó như “bắc dây leo trời”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết những vấn đề trong tương quan với các quy luật của tự nhiên và xã hội bằng sáu câu thơ trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính”:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính.

Thiếu một mùa thì không thành trời.

Thiếu một phương thì không thành đất.

Thiếu một đức thì không thành người”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Liêm” tức là luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước và của nhân dân: “Phải trong sạch, không tham lam. Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”.

Người xưa cũng dạy: “Tiết kiệm dưỡng thanh liêm, cần cù bù thông minh”. Trong gia đình, cha mẹ tiết kiệm trân quý đồ đạc, đồ ăn thức uống mới có thể trưởng dưỡng tâm liêm khiết của con cái. Trong công ty hay trong một đoàn thể nào cũng đều phải thật liêm khiết. Bất kỳ một đồ vật gì của công, chúng ta tuyệt đối không lấy, một xu một cắc cũng không lấy. Một người vô cùng liêm khiết thì họ có thể khởi lên nếp sống thanh liêm cho cả đoàn thể.

Là người Việt, chúng ta hãy lật từng trang sử để càng thêm yêu đất nước và con người Việt Nam. Dân tộc ta có rất nhiều gương liêm khiết. Đó đều là những tấm gương sáng để con cháu ngàn đời kế thừa và tiếp nối.

Kính mời Quý vị cùng đọc chương LIÊM của cuốn sách “NHỮNG TẤM GƯƠNG ĐỨC HẠNH VIỆT NAM”!

 

07.Những tấm gương đức hạnh Việt Nam (LIÊM)