Chữ “LỄ” và những tấm gương đức hạnh Việt Nam

Chữ “LỄ” và những tấm gương đức hạnh Việt Nam

Việt Nam chúng ta từ xưa đến nay rất chú trọng lễ nghĩa. Người xưa đều biết rằng, “Bất học lễ, vô dĩ lập”, không có lễ thì không có chỗ đứng trong xã hội. Cho nên, sự nghiệp giáo dục của đất nước ta thường nhắc đến: “Tiên học lễ, hậu học văn”. “Lễ” luôn luôn là bài học đầu tiên trong cuộc đời.  Thử hỏi từ xưa tới nay có ai mà không sợ mang tiếng là “đồ vô lễ”. Bởi người “vô lễ” là người làm việc xấu nên xã hội sẽ không chấp nhận điều này. Người không có “lễ” sẽ không từ bỏ bất cứ hành động gian ác nào. Người xưa thường nói: “Kẻ giàu sang biết lễ sẽ không dâm tàn, kiêu căng. Người bần tiện biết lễ sẽ không nản chí, làm bậy”. Vì vậy, “lễ” khiến cho hành vi của con người có chừng mực, để lúc nào cũng hợp với đạo trung. Khi người người đều biết lễ phép, lễ nhượng thì sống chung với nhau sẽ vô cùng dễ chịu. Lễ phép, lễ nhượng là khoảng cách tốt đẹp nhất giữa con người với nhau.

Sách “Luận Ngữ” nói: “Cung kính mà không có lễ thì phiền. Cẩn thận mà không có lễ thành ra sợ hãi. Dũng mà không có lễ thì loạn. Trực mà không có lễ thành ra vội vã”. “Lễ” đã làm cho tất cả sinh hoạt trong xã hội đều có nề nếp, quy củ. Vì vậy trong “Lễ Ký” mới nói: “Đạo đức nhân nghĩa không có lễ không thành. Dạy bảo, sửa đổi phong tục không có lễ không đủ. Xử việc phân tranh kiện tụng không có lễ không quyết. Vua tôi, trên dưới, cha con, anh em không có lễ không định. Học làm quan, thờ thầy không có lễ không thân. Xếp đặt thứ vị trong triều, cai trị quân lính, đi làm quan, thi hành pháp lệnh không có lễ không uy nghiêm. Cầu khấn tế tự, cung cấp quỷ thần không có lễ không thành kính, không trang chính. Bởi thế cho nên quân tử dung mạo phải cung, trong bụng phải kính, giữ gìn pháp độ, thoái nhượng để làm sáng rõ lễ”.

Lại nữa, nếu không có “lễ” thì lấy gì để phân biệt nghĩa vua tôi, trên dưới cho có đạo lý. Không có lễ thì không phân biệt được vua – tôi, trên – dưới, lớn – bé. Không có lễ thì không thể phân biệt cái lòng thân của trai – gái, cha – con, anh – em, sự giao tiếp về hôn nhân, về người thân hay người sơ”. Người không có lễ phép có thể thường xuyên vì một câu nói vô ý, một động tác vô ý mà thất lễ mà đắc tội với người khác, vô tình đã tăng thêm rất nhiều những trở ngại đối với chính mình.  “Lễ” lại giống như con đê ngăn lũ, là sự cấm cái loạn sinh ra. Tác dụng của “lễ” thật quảng đại, cũng thật tinh vi, đủ chứng minh lời dạy của   ánh Hiền nhân là sâu xa vô cùng vô tận.  Thử hỏi, từ cổ chí kim, những bọn muốn động trời khuấy nước, chẳng đoái nhân luân, khiến cho mình phải thân bại danh liệt, có kẻ nào là chẳng xem thường lễ tiết. Và hỏi rằng, các bậc Thánh Hiền trong nước và ngoài nước xưa nay, có ai không dùng lễ mà có thể thành danh, có ai không dùng lễ mà có thể lưu tiếng thơm muôn thuở. Xin hãy cùng suy ngẫm!

Là người Việt, chúng ta hãy lật từng trang sử để càng thêm yêu đất nước và con người Việt Nam. Dân tộc ta có rất nhiều gương lễ nhượng. Đó đều là những tấm gương sáng để con cháu ngàn đời kế thừa và tiếp nối.

Kính mời Quý vị cùng đọc chương LỄ của cuốn sách “NHỮNG TẤM GƯƠNG ĐỨC HẠNH VIỆT NAM”!

 

05.Những tấm gương đức hạnh Việt Nam (LỄ)